Sống trên đời đừng nên quá kiêu ngạo
Trong “Đường thư” có đoạn: Sau khi Lưu Diên Hựu thi đỗ tiến sĩ đã được bổ nhiệm giữ chức quan úy ở huyện Vị Nam. Người đàn ông này rất có tài xử lý công việc, nhanh chóng trở thành nhân vật nổi danh ở trong huyện. Tuy nhiên, danh tướng Lý Tích từng khuyên ông rằng: “Ngài tuổi chưa cao nhưng lại có danh tiếng, hẳn là nên chú ý khiêm tốn, đồng thời nên kiềm chế bản thân mình, đừng quá khoa trương bản thân”.
Trong “Kim sử” có ghi: Nguyên Hảo Vấn, tự là Dụ Chi, 14 tuổi đã bắt đầu theo học thầy giỏi ở Lăng Châu. Dù sở hữu học vấn uyên bác, thế nhưng ông không để tâm vào việc thi cử để ra làm quan. Sau 6 năm học tập, ông được coi là đã hoàn thành nghiệp học của mình. Vì thế, ông bắt đầu đi ngao du Thái Hành, vượt sông Hoàng Hà và sáng tác bài “Ki sơn cầm thai”. Lễ Bộ Triệu Bỉnh Văn từng có lời nhận xét về Nguyên Hảo Vấn như sau: “Văn nhân cận đại, không ai có thể sánh bằng ông”.
Cũng từ đó về sau, thanh danh của Nguyên Hảo Vấn ngày càng nổi danh, chấn động kinh thành và trở thành tác gia cũng như sử gia lớn. Đây được coi là thành quả đến từ việc ông vùi đầu khổ học suốt 6 năm ròng rã, kiên nhẫn cũng như vô cùng khiêm tốn mới có được.
Từ bỏ danh tiếng để giữ gìn đức hạnh
Trong tác phẩm “Tống Sư Từ Trung Hành truyện” có đoạn rằng: Từ Trung Hành tên tự là Đức Thần, vốn người Lâm Hải, là nhà giáo dục thời Tống. Trong những năm Sùng Ninh Tống Huy Tông, quận thái thú Lý Ngạc chỉ vì một lá thư tín mà đã đề cử Từ Trung Hành. Thời điểm đó, mọi việc triều chính đều do các gian thần và nịnh thần như Chương Đôn, Thái Biện… nắm quyền.
Mỗi khi nhận được lệnh triều đình bổ nhiệm chức vị quan tước, Từ Trung Hành lại khóc như mưa. Cuối cùng, ông quyết định tiêu hủy hết những tác phẩm của mình để đi vào núi ẩn cư. Có người thấy ông như thế liền buông lời trách cứ: “Trốn tránh tiến cử là do muốn có danh tiếng là đã từng được làm quan”.
Nghe xong, Từ Trung Hành liền đáp lại: “Con người nếu không có thiên hạnh, so với loài cầm thú cũng có khác gì? Nếu như ta chỉ vì thư tín mà được tiến cử làm quan, hơn nữa còn là việc dưới tay của quan nịnh thần, như thế những người chưa được tiến cử sẽ nói ta không phải là người. Ta muốn có thể rời bỏ danh tiếng chứ không phải là ham muốn những danh tiếng này”.
Có tài càng cần phải khiêm tốn
Trong tác phẩm “Thế Thuyết” có đoạn: Thời trẻ, Hứa Tuân – nhà văn thời Đông Tấn thường xuyên được mọi người so sánh có tài ngang với Vương Tu – vốn là một tác giả, nhà thư pháp cùng thời. Tuy nhiên, Vương Tu lại là người kiêu ngạo và tự mãn. Khi nghe thấy người khác so sánh mình với Hứa Tuân thì cảm thấy vô cùng khó chịu, không bằng lòng. Vương Tu chi rằng, Lý Tuân không có cửa để so sánh với mình.
Có một lần, khi các danh sĩ trong triều đình tụ tập tại Tây Tự để đàm Đạo, Vương Tu cũng có mặt ở đó. Cho rằng đây là cơ hội hiếm có để có thể đàm đạo cùng Vương Tu, Hứa Tuân cũng ngay lập tức đến Tây Tự để tham dự hội. Tuy nhiên trong lần đó, Vương Tu đã nhiều lần bị Hứa Tuân “làm khó”. Kể từ đó trở đi, Vương Tu thực sự khâm phục Hứa Tuân, đồng thời ông cũng thường chào hỏi khi hai người gặp mặt.
Khiêm tốn chính là bảo vật quý giá nhất
Trong “Tấn thư - Trữ Đào truyện” có đoạn rằng: Trữ Đào có tên tự là Ngạn Tiên. Trương Hoa sau khi gặp Trữ Đào đã nói với Lục Cơ, người được đánh giá là vô cùng tài giỏi thời bấy giờ, rằng: “Huynh đệ các ông là Long dược vân tân. Trữ Ngạn Tiên còn là Phụng minh triêu dương. Ta cứ tưởng trân bảo ở Đông nam này đã tụ hội hết tại huynh đệ ông mà không còn nữa, không ngờ lại gặp Trữ Ngạn Tiên”. (Chú thích: “Long dược vân tân” chính là Rồng bay nhảy trên mây. Phụng minh triêu dương có nghĩa là Chim phượng kêu đón ánh mặt trời. Ý tứ của hai câu nói này chỉ người có phẩm chất và tài năng hơn người).
Nghe xong, Lục Cơ liền trả lời: “Chỉ là do ngài còn chưa gặp được những bảo vật ‘không minh, không dược’ mà thôi”. (Ý chỉ những người tài giỏi nhưng không thể hiện ra bên ngoài). Tương Hoa lại nói: “Thế nên ta mới biết được rằng, con người ta khi có đức sẽ không cô độc lẻ loi. Bảo vật dù là trong núi sống vẫn không thiếu thốn”.
Nước càng sâu càng tĩnh, người càng biết càng khiêm nhường
Trong văn hóa truyền thống, khiêm nhường chính là việc đặt trọng tâm, tâm điểm của đời sống mỗi người ở nơi Thượng đế chứ không phải là bản thân họ. Điều này đồng nghĩa với việc chấp nhận, mình không phải là cái rốn, cũng không phải là trung tâm của vũ trụ này. Theo các bậc thầy tâm linh, khiêm nhường là một sự tự ý thức có tính quả cảm, giúp mỗi người trở nên trưởng thành hơn cũng như ý thức rõ hơn về sự mỏng giòn của những giới hạn bản thân; chứ không phải là cố tỏ ra dáng vẻ vốn không phải là con người thật của mình.
Thời xưa, các bậc Thánh hiền vốn rất coi trọng lòng bao dung. Lão Tử từng nói, sông và biển mênh mông sâu thẳm là bởi nước biết hạ mình ở chỗ thấp, biết tiếp nhận lấy nước từ những nhánh sông suối vô cùng bé nhỏ. Vì ở chỗ thấp nên mới có thể làm vua trăm họ. Nước lúc nào cũng vị tha và bao dung bất luận có là ân oán hay đúng sai đi chăng nữa.
Sống trên đời, một người nếu như cứ cho mình là quan trọng, ôm giữ những quan điểm của mình tới cùng nhưng không buông tâm hồn thì sẽ không thể rộng mở, đời sống vì thế mà sẽ trở nên ngày càng nghèo nàn và vô vị. Thực tế, khiêm tốn không có nghĩa là không hiểu giá trị thực của mình mà là hiểu rất rõ, không ngừng tiếp thu và không ngừng bồi dưỡng bản thân. Người xưa có viết: “Biết dung nạp sẽ thành vĩ đại”, một khi tâm càng rộng lớn thì sẽ càng dung nạp được nhiều.
Dễ dàng hiểu được rằng, những người khiêm nhường đích thực và sống thật với bản thân sẽ luôn mang trong mình nguồn năng lượng tích cực. Vì thế, họ sẽ giúp cho người khác cảm thấy vui vẻ và thoải mái. Nguyên nhân bởi, người ta nhận ra mình chẳng phải sống thủ thế, phòng vệ, bởi khiêm nhường sẽ chẳng bao giờ phải xù lông hay áp đặt ý kiến của mình lên người khác.
Một khi mắc lỗi, người khiêm nhường sẽ nhìn nhận ra ngay được vấn đề, họ xin lỗi, xin được giúp đỡ cũng như công khai nhìn nhận những thiếu sót của bản thân. Họ là người dễ gần bởi họ không có ý định áp đặt ý kiến của mình hay ép buộc bản thân phải là người lúc nào cũng đúng.
Nước càng sâu càng tĩnh, người càng hiểu biết sẽ càng khiêm nhường. Nếu có thể bình tâm tĩnh khí, từ bi cũng như bao dung với mọi người, chúng ta sẽ học được cách lắng nghe nhưng; trong khi đó lòng bao dung là một phương diện của cái thiện, giúp con người ta lại gần nhau hơn và sống an hòa bên nhau.