Du khách nước ngoài tham quan quận 1, TP.HCM - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Đây là tính toán của Hội đồng Tư vấn du lịch (TAB).Ngành du lịch Việt Nam đang phục hồi tốt, nhưng những kết quả tốt đẹp vừa qua chủ yếu là từ du lịch nội địa.Đối với du lịch quốc tế, mặc dù đã có nhiều chính sách để thu hút khách quốc tế nhưng tính đến hết tháng 8-2022, Việt Nam mới đón được 1,44 triệu lượt khách, bao gồm khách du lịch và các nhóm chuyên gia, lao động nước ngoài.
Về lý thuyết, chỉ cần một tháng bùng nổ, du lịch cũng có thể dễ dàng đạt đến mục tiêu này. Tuy nhiên, với những tồn tại của chính sách visa như hiện nay, rất khó để du lịch Việt Nam cán mốc đề ra.
Một doanh nhân người Mỹ may mắn có được visa vào Việt Nam sau hơn hai tuần đơn vị mời ông chật vật làm các thủ tục để có được e-visa, dù theo quy định thời gian trả kết quả visa là 3-4 ngày.
"Doanh nhân vào đã khó thì không biết du khách quốc tế vào Việt Nam bằng kiểu gì?", đại diện doanh nghiệp Việt Nam mời đối tác người Mỹ nói trên buông tiếng than.
Hệ quả của chính sách visa chưa thân thiện này là nhiều hãng lữ hành quốc tế muốn chào tour đi Việt Nam nhưng cuối cùng phải chuyển những điểm đến khác trong khu vực như Thái Lan, Singapore...
Đau xót vì mất khách theo cách này, nhiều doanh nghiệp du lịch tâm sự thật khó để phục hồi du lịch với cách mở cửa nửa vời như thời gian qua. Du lịch chỉ là một mảng, chính sách visa còn liên quan đến quan hệ kinh tế với các nước trên thế giới, thu hút đầu tư...
Phục hồi được dòng khách du lịch còn liên quan đến vấn đề phục hồi các đường bay hàng không. Tốc độ phục hồi khách quốc tế chậm khiến cho các hãng bay vẫn gặp nhiều khó khăn.
Như một vòng luẩn quẩn, nếu các hãng hàng không khó triển khai nhiều chuyến bay, ngành du lịch rất khó duy trì đà phục hồi. Bởi khi có ít chuyến bay, giá vé sẽ tăng cao, khách không có nhiều lựa chọn.
Sự bất cập của thủ tục visa đã được Chính phủ nhìn thấy, khi trong kết luận của Phó thủ tướng Vũ Đức Đam tại cuộc họp Ban Chỉ đạo nhà nước về du lịch năm 2022 mới đây, có yêu cầu Bộ
Công an nghiên cứu mở rộng danh sách các quốc gia, vùng lãnh thổ được cấp loại thị thực e-visa. Chính phủ cũng yêu cầu bộ này tăng cường các giải pháp ứng dụng công nghệ thông tin nhằm cải tiến quy trình, thủ tục cấp e-visa tạo thuận lợi hơn nữa cho khách du lịch quốc tế nhập cảnh vào Việt Nam.
Hành vi du lịch của du khách đã thay đổi khá nhiều sau đại dịch Covid-19. Trong xu hướng mới, khách đi du lịch với tần suất ít hơn song lại dành nhiều thời gian hơn tại mỗi điểm đến. Do đó, thời gian miễn thị thực 15 ngày hiện nay của Việt Nam không đủ sức hấp dẫn để đẩy mạnh việc phục hồi ngành du lịch.
Đến nay Việt Nam vẫn chưa có văn phòng xúc tiến du lịch ở nước ngoài, các hoạt động quảng bá du lịch, nền kinh tế mũi nhọn vẫn trông cậy vào các cơ quan đại diện ngoại giao Việt Nam ở các nước.
Điều này khiến du lịch Việt Nam bất lợi hơn so với các nước bạn trong khu vực, trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt thu hút khách quốc tế.
Du lịch Việt Nam đang chuẩn bị bước vào cao điểm của thị trường khách quốc tế từ tháng 10 đến cuối tháng 3-2023.
Cải tiến khâu cấp visa với thời gian lưu trú dài hơn cho du khách quốc tế và mở rộng thêm thị trường thí điểm cấp e-visa không chỉ sớm đưa du lịch quốc tế ở Việt Nam trở lại đà tăng trưởng như giai đoạn trước đại dịch, mà sẽ còn hạn chế nảy sinh tiêu cực ở một số bộ phận.
NHƯ BÌNH