Chiến lược trần thuật trong Mảnh vỡ của mảnh vỡ của Vĩnh Quyền

28/09/2022 11:58
Nhân tiểu thuyết Debris of Debris (Mảnh vỡ của mảnh vỡ) của nhà văn Vĩnh Quyền vừa tái bản lần thứ tư tại Canada, Lao Động Cuối tuần trân trọng giới thiệu bạn đọc một trích đoạn từ công trình nghiên cứu của TS Nguyễn Thị Tịnh Thy: "Nhân vật mảnh vỡ trong tiểu thuyết Mảnh vỡ của mảnh vỡ".

 

Chiến lược trần thuật trong Mảnh vỡ của mảnh vỡ của Vĩnh Quyền

Tiểu thuyết Debris of Debris (Mảnh vỡ của mảnh vỡ) của nhà văn Vĩnh Quyền vừa tái bản lần thứ tư tại Canada. Ảnh: TGCC

"Mảnh vỡ của mảnh vỡ" là câu chuyện của một “thế hệ mất mát”, “phai bạc tuổi thanh xuân”. Sự mất mát, phai bạc ấy được tái hiện bằng các thủ pháp hồi cố, dán ghép điện ảnh, tình huống ngẫu nhiên, truyện lồng truyện với đa chủ thể trần thuật. Mỗi nhân vật là một mảnh vỡ, quá trình phơi bày mảnh vỡ là một quá trình tự tìm lại chính mình, giải thích về mình. Đó cũng là cách để người đọc ráp nối sự kiện, nhận diện rõ hơn sự đổ vỡ của nhân vật.

Dù được kể ở ngôi thứ ba hay ngôi thứ nhất, dù được nhìn bằng điểm nhìn của người trải nghiệm hay người làm chứng thì mỗi khi ký ức trỗi dậy, sự kiện sẽ ùa về, lấp đầy những khoảng trống chưa được kể. Hồi ức càng dày đặc, mảnh vỡ càng sắc nhọn hơn, cắt cứa hơn. “Những người sống sót qua cuộc chiến thường trào nước mắt mỗi khi nhớ về quá khứ”. Làm sao dễ dàng quên được khi mà con người hậu chiến đang phải đối mặt với những điều phức tạp, éo le không thể tháo gỡ nổi; khi mà, quá khứ vừa là nỗi đau, nỗi dằn vặt nhưng cũng vừa là niềm an ủi và lẽ sống của con người hiện tại.

Trong vai trò giải thích, hồi ức mở nút cho mọi thắc mắc của nhân vật đóng vai trò nghe chuyện trực tiếp và cả người đọc, nhưng mỗi nút thắt được mở ra lại càng khiến người ta bận lòng hơn với ngổn ngang nhiều mảnh vỡ khác.

Lấy hồi ức làm chiến lược trần thuật, nhà văn Vĩnh Quyền đã mở đầu tác phẩm bằng pha kết thúc với hình ảnh Kha và Thuỳ gặp lại nhau, gắn bó với nhau trên bãi biển Lăng Cô với câu văn rất đẹp: “Từ biển con người có thể học cách tự chữa lành vết thương”. Từ đó, lớp lớp hồi ức trỗi dậy, lớp lớp mảnh vỡ hiện ra, cuốn hút và ám ảnh. Chính hồi ức đã chi phối kết cấu dán ghép điện ảnh, khiến cho sự kiện, không gian, thời gian xáo trộn, đan xen giữa quá khứ và hiện tại. Từ trong hoà bình, các nhân vật quay về với thời chiến tranh, kết nối sự kiện hôm nay với sự kiện hôm qua. Dán ghép điện ảnh vừa phân mảnh cốt truyện, vừa làm tròn những khuyết thiếu của câu chuyện trong chức năng giải thích. Nhưng kết quả mà kỹ thuật này mang lại trong Mảnh vỡ của mảnh vỡ là những mảnh vỡ của nhân vật. Ghép nối từng mảnh vỡ nhỏ qua các dòng hồi ức, ta lại nhìn thấy những mảnh vỡ khác lớn hơn như những bi kịch phận người. Long, Dung, Quang, Duyên, Hoành, Nhi, Sơn, Kiệt, Mây, Phan, Huy và những goá phụ vô danh đều bắt đầu bằng mảnh vỡ và kết thúc cũng bằng mảnh vỡ.

Ngoài nhân vật Kha được dành số trang tương đối nhiều trong tiểu thuyết, và tạm gọi là nhân vật trung tâm, hầu như các nhân vật khác đều thể hiện vai trò giải trung tâm của tiểu thuyết. Bằng câu chuyện của riêng họ, mỗi nhân vật đều góp vào một phân cảnh cho cuộn phim Mảnh vỡ của mảnh vỡ. Khi đến lượt xuất hiện của mình, họ chiếm vị trí trung tâm tạm thời, “trung tâm theo hoàn cảnh”, và đóng trọn vai trò của mình trong kết cấu dán ghép điện ảnh khiến cho bức tranh hiện thực trong tác phẩm càng trở nên sâu rộng hơn, dữ dội và gai góc hơn.

Mảnh vỡ của mảnh vỡ có nhiều người kể và nhiều hình thức kể chuyện. Điểm nhìn trần thuật dịch chuyển từ người kể chuyện sang nhân vật, từ nhân vật này sang nhân vật khác, từ hiện tại về quá khứ, từ bên ngoài vào bên trong, thể hiện sự quan tâm cách đưa câu chuyện đến với người đọc của tác giả. Hình thức tự sự bằng thư (của Thuỳ và Duyên), bằng kể lại từ tầng bậc thứ hai (của Cam, Trung, Ba Trăn, Thomas...) là cách đa dạng hoá phương thức trần thuật của Vĩnh Quyền. Nếu người kể đứng ở vị trí chứng nhân, câu chuyện như được tăng thêm độ xác tín; nếu đứng ở vị trí trải nghiệm, câu chuyện càng có sức lay động hơn. Cuộc chiến tranh được nhìn từ nhiều phía, nhiều thành phần xã hội khác nhau đã tạo nên độ khách quan cho câu chuyện. Đồng thời, trần thuật từ ngôi thứ nhất cho phép người kể chuyện bộc lộ cảm xúc của mình, tăng sức lan toả và sự đồng cảm đối với độc giả.

Hình thức trần thuật bằng thư tỏ ra phù hợp với cách bộc bạch nỗi lòng của nhân vật nữ. Lời lẽ của Duyên như được thốt ra từ một cái tôi đau khổ đến tột cùng. Từ người kể chuyện này, giọng điệu của tác phẩm trở nên phong phú hơn, linh hoạt hơn.

Nhân vật mảnh vỡ còn là tác nhân chi phối đến nghệ thuật bố trí yếu tố ngẫu nhiên trong Mảnh vỡ của mảnh vỡ. Các nhân vật gặp gỡ nhau (đặc biệt là gặp lại), liên hệ với nhau, khơi gợi câu chuyện của nhau đều từ sự ngẫu nhiên. Ngẫu nhiên mà Phan rơi xuống giường của Lai khi trần nhà bị sập; ngẫu nhiên anh gặp lại cô trong khách sạn với tư cách là một khách làng chơi đi tìm gái, sau bao ngày lục tung cả thị xã nhưng không tìm thấy cô. Ngẫu nhiên Mây gặp Lai trong bệnh viện, từ đó, cô mới có thể giúp Phan gặp lại Lai. Ngẫu nhiên mà vợ chưa cưới của Văn lại là Dung, khiến cho Long phải lập tức rời xa cô sau khi đã thắm thiết trong căn hầm bị sập. Ngẫu nhiên Kha gặp lại Phong khi muốn gọi một chiếc xích lô về nhà, Giang gặp Thuỳ trong buổi lễ ra mắt sách của Kha ở Mỹ, Thăng gặp Hai để biết về mối tình của Hai với cô thanh niên xung phong đã hy sinh tên Nguyệt, Quang gặp Cruyang Uyên để hiểu thêm về Bình, Cường gặp Huy trong trại cải tạo, Cường gặp hai người goá phụ vô danh trong thị trấn buồn ở Đường Chín heo hút gió, Quang vào đúng nhà người thiếu phụ tên Thu mà anh cần tìm, Thuỳ lỡ tay chạm vào cây quýt trước sân nhà ông Cam, cơn gió mồ côi kịp lật tung tấm khăn liệm trùm đầu người vợ lính lúc người ta sắp bóp cò súng... Mỗi yếu tố ngẫu nhiên đều mở ra một câu chuyện mới, một mảnh vỡ thân phận mới theo dang thức truyện lồng truyện. Yếu tố ngẫu nhiên làm vỡ vụn hơn những mảnh vỡ cũ, tạo thành mảnh vỡ của mảnh vỡ... của mảnh vỡ...

Yếu tố ngẫu nhiên giúp nhà văn Vĩnh Quyền đưa nhân vật của mình từ mọi miền xa xôi, từ những thân phận cách biệt nhau được gặp gỡ nhau trong một vòng tròn khép kín. Từ đó, thế giới của Mảnh vỡ của mảnh vỡ được thu hẹp lại, quan hệ giữa các nhân vật càng phức tạp, mảnh vỡ thân phận dần hiển lộ rõ hơn. Đồng thời, yếu tố ngẫu nhiên cũng giúp nhà văn giải quyết trọn vẹn từng số phận nhân vật, “dàn xếp” ổn thoả những vướng mắc, vấn vương giữa họ, đem lại sự sáng rõ cho cuốn tiểu thuyết có nhân vật phong phú, biên độ không gian và thời gian rộng, nhiều mối quan hệ chồng chéo lẫn nhau. Từ yếu tố ngẫu nhiên, có thể thấy chiến lược trần thuật của tác giả Vĩnh Quyền in đậm dấu ấn của điện ảnh. Đó là cách dồn nén nhân vật vào một vài mối quan hệ, để cho nhân vật “chạm mặt” nhau, nảy sinh các mâu thuẫn nhằm bộc lộ chủ đề tác phẩm. Yếu tố ngẫu nhiên trở thành motif kết nối nhân vật, dẫn dắt cốt truyện dễ dàng. Tuy nhiên, cũng vì thế mà yếu tố ngẫu nhiên làm đơn giản sự kiện tiểu thuyết, khiến cho tác phẩm không tránh khỏi đơn điệu.

Mảnh vỡ của mảnh vỡ không phải là cuộc triển lãm các phương thức nghệ thuật tiểu thuyết theo kiểu hiện đại hay hậu hiện đại, mà mục đích cuối cùng của nó là sự chuyển tải nỗi niềm, suy tư, đồng cảm và phản tỉnh của tác giả đến với người đọc: “Mọi huân chương đều có hai mặt, chiến tranh cũng vậy, bên cạnh vinh quang là nỗi đau”. Dĩ nhiên, thông điệp này không mới mẻ, không phải là phát hiện của riêng nhà văn Vĩnh Quyền, nhưng cách nhà văn thể hiện bằng chiến lược trần thuật độc đáo cũng đã khiến cho thông điệp đó dễ bắt gặp nỗi đồng cảm của người đọc hơn. Vì thế, sức hấp dẫn cũng như giá trị của tiểu thuyết càng được khẳng định.

 

Theo Nguồn laodong.vn

Chiến lược trần thuật trong Mảnh vỡ của mảnh vỡ của Vĩnh Quyền - Văn Hóa