Hàn Quốc đã sớm có phản ứng về vụ phóng tên lửa mới nhất của Triều Tiên, ngày 18/12. (Nguồn YNA)
Ngày 19/12, Lãnh đạo đảng Quyền lực Quốc dân (PPP) cầm quyền Hàn Quốc Chung Jin Suk nói: “Mục đích hành động của Triều Tiên đã rõ ràng. Đó là một chiến thuật chiến lược nhằm phá vỡ liên minh Hàn-Mỹ và cuối cùng là đẩy Các Lực lượng Mỹ tại Hàn Quốc ra khỏi Bán đảo Triều Tiên”.
Ông cam kết Seoul sẽ xử lý nghiêm khắc trong trường hợp Bình Nhưỡng triển khai thêm các hành động tương tự. Đồng thời, ông nhận định, Triều Tiên có thể đã chi khoảng 700 tỷ Won (539 triệu USD) cho các vụ phóng tên lửa đạn đạo chỉ riêng năm nay.
Trong khi đó, hầu hết truyền thông Hàn Quốc nhận định hai vật thể được Triều Tiên phóng là tên lửa đạn đạo tầm trung (MRBM). Địa điểm vụ phóng ngày 18/12 là Tongchang-ri, huyện Cholsan, tỉnh Bắc Pyongan, nơi Triều Tiên đã thử thành công động cơ nhiên liệu rắn 3 ngày trước.
Chủ tịch Kim Jong Un được cho là đã tiếp tục ở lại và chỉ đạo vụ phóng ngày 18/12, bởi ông đã không xuất hiện tại địa điểm tổ chức lễ kỷ niệm 11 năm ngày mất của cha ông, nhà lãnh đạo Kim Jong-il, hôm 17/12.
Yonhap (Hàn Quốc) cho rằng, hiện dư luận đang rất quan tâm về mối liên quan giữa vụ phóng tên lửa và lời phát biểu gần đây của nhà lãnh đạo Kim Jong-un về kỳ vọng vào sự ra đời của “vũ khí chiến lược kiểu mới tiếp theo”.
Như vậy, chỉ riêng trong năm 2022, Triều Tiên đã có 36 vụ thử tên lửa, trong đó có 64 tên lửa đạn đạo và 3 tên lửa hành trình. Theo các nguồn tin trên, mục đích phóng ICBM cùng ngày của Bình Nhưỡng là nhằm phản đối các động thái gây áp lực lên nước này, bao gồm cả việc Đại hội đồng Liên hợp quốc thông qua nghị quyết về nhân quyền ở Triều Tiên năm thứ 18 liên tiếp và việc Nội các Nhật Bản thông qua Chiến lược An ninh quốc gia, trong đó nêu định hướng sở hữu “vũ khí phản công” để tấn công phủ đầu địa điểm bố trí tên lửa trong trường hợp cần thiết.
Trong khi đó, giới học giả Hàn Quốc cho rằng, vụ phóng ngày 18/12 mang tính chất thử nghiệm, nằm trong kế hoạch huấn luyện mùa Đông.
Ông Hong Min, nhà phân tích tại Viện Thống nhất quốc gia Hàn Quốc nhận định, nếu nhìn vào vị trí, góc phóng, độ cao và quãng đường bay của tên lửa một cách khách quan, dường như vụ phóng “mang tính chất thử nghiệm hơn là trình diễn”.
Giáo sư Yang Moo Jin của Đại học Nghiên cứu Triều Tiên cho rằng, dường như vụ phóng được tiến hành theo kế hoạch huấn luyện thường xuyên, nằm trong chương trình huấn luyện mùa Đông (hiện đang diễn ra). Ngoài ra, vụ phóng cũng có thể là tiếng nói phản đối các động thái gây áp lực với Triều Tiên, trong đó có Chiến lược An ninh quốc gia mới của Nhật Bản.
(theo Yonhap/KBS)