Vụ việc xảy ra ở Thượng Hải, Trung Quốc đang khiến dư luận dậy sóng. Cô gái Tian (25 tuổi) đòi bố mẹ bán nhà vì muốn thực hiện ước mơ du học của mình. Nhưng do không được chấp thuận, cô gái liền kiện bố mẹ ra tòa.
Điều đáng nói, hành động của cô gái có khả năng khiến bà nội cô trở thành người vô gia cư bởi căn nhà mà cô muốn bố mẹ bán thực chất là của ông bà nội.
Cách đây 10 năm, khi nơi ở cũ bị phá bỏ, ông bà nội cô đã nhận được một căn hộ đền bù từ chính phủ. Năm Tian 16 tuổi, giấy tờ nhà được sửa thành thuộc sở hữu chung của Tian và bố mẹ. Sau khi ông nội mất, bà nội sống một mình tại căn nhà đó đến nay.
Theo thỏa thuận, họ đồng ý bán căn hộ sau khi bà qua đời và chia số tiền cho ba người đứng tên. Tuy nhiên, vào năm 2021, Tian mâu thuẫn với bố mẹ vì một số vấn đề như đi du học, lựa chọn nghề nghiệp nên ra ngoài thuê nhà sống riêng. Tian muốn đẩy nhanh việc bán nhà để trang trải chi phí du học đắt đỏ nên cô nhất quyết yêu cầu bố mẹ phải trả ngay cho cô 1/3 giá trị căn hộ khi người bà vẫn còn sống.
Tian cho biết, du học là ước mơ của cô nhiều năm nay nhưng bố mẹ từ chối hỗ trợ tài chính. Cô từng đề nghị bán phần nhà thuộc về mình hoặc bố mẹ bỏ tiền mua lại nhưng không được đồng ý. Vì vậy, Tian đệ đơn kiện bố mẹ ra tòa với lý do cần tiền gấp để đi du học nước ngoài, yêu cầu chia căn nhà nói trên.
Tại phiên tòa, bố mẹ của Tian cho rằng căn nhà là tài sản chung của ba người và không có lý do quan trọng nào để phải phân chia. Bên cạnh đó, cha mẹ của Tian cho biết trước đây họ đã trả các chi phí và khoản nợ khoảng 500.000 nhân dân tệ (1,7 tỷ đồng) cho con gái và giúp cô kết nối với các trường học ở nước ngoài nhưng Tian đã từ chối vì những trường đó không đủ xếp hạng cao nên cô không thích. Cô tự chọn trường học khác nhưng chi phí rất đắt đỏ. Hiện bố mẹ Tian không có khả năng chi trả 1/3 giá trị căn nhà cho con gái nên không đồng ý yêu cầu của con.
Ảnh minh họa.
Sau quá trình tố tụng, Tòa án Nhân dân Bảo Sơn, thành phố Thượng Hải bác đơn kiện bố mẹ của Tian. Tòa án cho rằng căn nhà tranh chấp hiện chưa có thỏa thuận hay cơ sở pháp lý nào để phân chia. Từ khi nguyên đơn và bị đơn đăng ký quyền sở hữu chung với căn nhà đến nay, quan hệ gia đình của ba người không thay đổi nên căn cứ xác lập hình thức sở hữu chung không mất đi. Tian yêu cầu chia nhà để đi du học nhưng đó không phải là lý do quan trọng để chia tài sản chung.
Chủ sở hữu ban đầu của căn nhà là bà nội vẫn đang sống trong nhà, nguyên đơn và bị đơn đã đồng ý đợi đến khi bà nội qua đời mới bán. Hiện tại, hai bên đều khẳng định không có khả năng mua lại phần tài sản thuộc về bên kia nên căn nhà không thích hợp để phân chia vào thời điểm này.
Tòa án cũng nói thêm rằng Tian nên báo hiếu với cha mẹ chứ không phải đi kiện lại những người sinh thành và nuôi lớn cô chỉ để lấy tiền. Sau khi nhận quyết định của tòa án, người con gái đã kháng cáo nhưng tòa phúc thẩm giữ nguyên bản án sơ thẩm.
Theo dữ liệu từ Bộ Giáo dục Trung Quốc, số lượng du học sinh từ Trung Quốc đã giảm xuống còn 450.900 người vào năm 2020 do đại dịch COVID-19, sau khi đạt mức cao kỷ lục 703.500 người vào năm 2019. Tuy nhiên, số lượng du học sinh đã tăng lên 662.100 vào năm 2022.
Theo báo cáo của cơ quan du học hàng đầu tại Trung Quốc EIC Education, các quốc gia nói tiếng Anh như Mỹ, Anh, Canada và Australia vẫn là điểm đến hàng đầu của du học sinh Trung Quốc.
--> Kiện con trai U50 ra tòa vì tội "ăn bám"
Phương Anh (Theo SCMP)