3 vụ cháy ô tô giữa ngày nóng đỉnh điểm
Trong hai ngày qua, liên tiếp xảy ra 3 vụ cháy ô tô tại các quận Ba Đình, Đống Đa và huyện Phúc Thọ, Hà Nội.
Cụ thể, khoảng 10h30 ngày 17/5, ô tô mang biển kiểm soát 29A-781.XX đang lưu thông trên đường Huỳnh Thúc Kháng, hướng từ Láng Hạ - Nguyễn Chí Thanh thì bốc cháy.
Thời điểm trên, ô tô do ông H.T.T. (SN 1976, trú tại Đống Đa) điều khiển. Phát hiện xe bị cháy, tài xế T. và người dân xung quanh đã sử dụng bình cứu hỏa cầm tay và nước để dập tắt lửa.
Vụ cháy ô tô trong khuôn viên Trung tâm thể dục thể thao quận Ba Đình (Ảnh: CACC)
Đến 12h cùng ngày, ô tô mang biển số 30K-227.XX đang đỗ trong khuôn viên của Trung tâm thể dục thể thao quận Ba Đình cũng bất ngờ bốc cháy.
Khi phát hiện sự việc, bảo vệ của Trung tâm đã dùng bình chữa cháy cầm tay để dập lửa nhưng bất thành. Lực lượng Cảnh sát PCCC&CNCH đã điều động 2 xe chữa cháy cùng cán bộ, chiến sĩ đến hiện trường dập lửa.
Sau khoảng 15 phút, đám cháy được dập tắt hoàn toàn. Vụ cháy không có thiệt hại về người nhưng ô tô bị thiêu rụi hoàn toàn.
Vụ cháy tại QL32 (đoạn qua xã Tam Hiệp, Phúc Thọ, Hà Nội)
Hơn 14h ngày 18/5, ô tô 7 chỗ nhãn hiệu Chevrolet Captiva (chưa rõ biển kiểm soát) lưu thông trên QL32 (đoạn qua xã Tam Hiệp, huyện Phúc Thọ, Hà Nội), hướng từ trung tâm Hà Nội đi huyện Sơn Tây. Đến khu vực gần cầu sông Đáy, xe này bốc cháy ở dưới nắp capo. Tài xế phát hiện sự việc và chạy khỏi xe.
Nhận được tin báo, Đội Cảnh sát PCCC&CNCH Công an huyện Phúc Thọ đã điều động 1 xe chữa cháy cùng cán bộ, chiến sĩ đến hiện trường dập lửa. Khoảng 10 phút sau, đám cháy được dập tắt hoàn toàn. Tuy nhiên toàn bộ xe đã bị thiêu rụi.
Không nên "độ" các thiết bị điện trên ô tô
Đại diện Cục Cảnh sát PCCC&CNCH (Bộ Công an) cho biết, trong những năm qua, nguyên nhân dẫn đến cháy ô tô là do sự cố từ hệ thống điện: chập điện, quá tải, đánh tia lửa điện, phóng điện...
Vì vậy, người sử dụng phương tiện không nên lắp đặt thêm các thiết bị, phụ kiện có tiêu thụ điện như: thiết bị bảo vệ, còi, đèn,… hoặc nếu lắp thêm phải bảo đảm an toàn, không bị quá tải về điện.
"Chủ xe cần tuân thủ quy trình vận hành, bảo trì, bảo dưỡng theo quy định; việc bảo trì, bảo dưỡng, sửa chữa nên thực hiện ở những nơi có uy tín, bảo đảm chất lượng; chủ động kiểm tra, phát hiện và khắc phục kịp thời các sự cố, hỏng hóc khi có dấu hiệu khác thường", đại diện Cục Cảnh sát PCCC cho biết.
Chiếc ô tô bị cháy rụi trong ngày nắng nóng đỉnh điểm. (Ảnh: CACC)
Đặc biệt, trong thời tiết nắng nóng, chủ xe không để các chất dễ cháy, dễ bắt cháy trong xe. Chủ các phương tiện cần tự trang bị các bình chữa cháy phù hợp.
Với những ngày nhiệt độ ngoài trời lên tới 39-40 độ C, nhiệt độ trong xe có thể cao hơn 60 độ C, chủ xe cần có biện pháp che, chắn cho phương tiện khi dừng, đỗ dưới trời nắng trong thời gian dài.
Cục Cảnh sát PCCC khuyến cáo, đối với các điểm trông giữ xe, phải trang bị đầy đủ các loại phương tiện chữa cháy theo quy định và theo hướng dẫn của lực lượng Cảnh sát PCCC.
"Nhân viên làm việc ở khu vực này phải có kiến thức và được huấn luyện, đào tạo thành thạo các biện pháp, phương pháp chữa cháy, xử lý sự cố ban đầu", đại diện Cục Cảnh sát PCCC nhấn mạnh.
Cần bình tĩnh xử lý tình huống cháy
Đại diện Cục Cảnh sát PCCC&CNCH cho rằng, khi xảy ra cháy nổ hoặc phát hiện thấy có khói, nhiệt độ cao bất thường, cần bình tĩnh tắt khóa điện, đỗ xe ở lề đường xa nơi tập trung người, nơi có nhiều chất dễ cháy.
"Khi cháy ô tô, cần tìm mọi cách để đưa người thoát ra khỏi xe nhanh chóng và tìm cách chữa cháy. Khóa ngay bình xăng nếu có thể, dùng bình chữa cháy, cát, nước... để chữa cháy, đồng thời hô hoán để mọi người đến trợ giúp chữa cháy", đại diện Cục Cảnh sát PCCC cho biết.
Lực lượng Cảnh sát PCCC diễn tập tình huống cháy ô tô
Ngoài ra, người dân cọi điện báo ngay cho cơ quan Cảnh sát PCCC&CNCH theo số điện thoại 114 hoặc cho công an, chính quyền địa phương nơi gần nhất để phối hợp chữa cháy, có biện pháp xử lý phù hợp.
Nếu không có khả năng dập tắt đám cháy, cần nhanh chóng rời xa phương tiện đang cháy đến vị trí an toàn.
Đình Hiếu