Các nhà điều tra tập trung gần những mảnh vỡ tên lửa bị lực lượng phòng không Belarus bắn rơi ở Belarus vào ngày 29/12 (Ảnh: Reuters).
"Điện Kremlin lo ngại về vụ tên lửa Ukraine rơi ở Belarus. Đây là một sự kiện gây lo ngại cực độ không chỉ cho chúng tôi mà còn cho các đối tác Belarus của chúng tôi", người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov nói với các phóng viên hôm 30/12, đồng thời cho biết lực lượng vũ trang của Nga và Belarus "thường xuyên liên lạc".
"Việc đối thoại ở mức cao nhất và sự tin tưởng lẫn nhau cho phép chúng tôi trao đổi thông tin nhạy cảm nhất một cách nhanh chóng", ông Peskov nói. Ông nói thêm rằng Belarus đã thực hiện "một số bước" sau vụ tên lửa rơi xuống lãnh thổ nước này. Bộ Ngoại giao Belarus ngày 29/12 đã triệu tập Đại sứ Ukraine tại Minsk Ihor Kyzym để trao công hàm phản đối.
Trước đó, Bộ Quốc phòng Belarus thông báo lực lượng phòng không nước này đã bắn hạ một tên lửa S-300 của Ukraine ở khu vực biên giới Brest vào sáng ngày 29/12. Đây cũng là khoảng thời gian Nga bắn số lượng lớn tên lửa về phía Ukraine. Ukraine cáo buộc Nga phóng hàng loạt tên lửa vào các thành phố ở nước này, khiến người dân phải sơ tán và nhiều khu vực bị cắt điện.
Theo ông Kirill Kazantsev, người đứng đầu lực lượng phòng không Belarus, nước này tin rằng tên lửa của Ukraine có thể đã gặp trục trặc kỹ thuật hoặc những người điều khiển hệ thống S-300 đã không được đào tạo đầy đủ, hoặc đây là một hành động khiêu khích có chủ ý. Ông Kazantsev cho biết "vẫn còn nhiều câu hỏi" để ngỏ về bản chất của vụ việc.
Bộ Quốc phòng Ukraine tuyên bố sẵn sàng mời các chuyên gia có thẩm quyền từ các quốc gia không ủng hộ Nga để tham gia điều tra vụ việc mà họ cho là kết quả của việc đẩy lùi một cuộc tấn công tên lửa của Moscow.
Bộ Quốc phòng Ukraine cũng cho biết nước này "nhận thức được những nỗ lực của Điện Kremlin nhằm lôi kéo Belarus vào cuộc chiến chống lại Ukraine", đồng thời nói rằng Belarus sẽ "không loại trừ" một "hành động khiêu khích có chủ ý" từ Nga.
Các nhà chức trách ở Belarus từng ghi nhận một số vụ việc trước đó, khi binh sĩ Ukraine hoặc máy bay không người lái được cho là đã vượt qua biên giới giữa hai nước. Minsk cho rằng đây là những hành động khiêu khích có chủ ý, có thể được thực hiện theo chỉ đạo của các nước phương Tây ủng hộ Ukraine.
Belarus là một đồng minh thân cận của Nga, song giới chức nước này nhiều lần khẳng định không đưa quân tham gia vào cuộc xung đột ở Ukraine. Nhiều tuần trở lại đây, Nga ra sức tăng cường hiện diện quân sự ở biên giới giữa Belarus và Ukraine, làm dấy lên đồn đoán Moscow có thể sẽ mở một đợt tiến công mới vào Ukraine theo ngả Belarus.
Belarus khẳng định mục tiêu quan trọng nhất là ngăn chặn xung đột lan sang lãnh thổ Belarus, đồng thời bảo vệ người dân nước này khỏi nguy cơ bị tấn công từ các quốc gia không thân thiện trong khu vực.
Theo RT