Nghệ thuật Batik - vẽ các họa tiết trên vải bằng sáp ong - đã xuất hiện từ hơn 2500 năm trước ở Viễn Đông, Trung Đông, Trung Á, Ấn Độ, Indonesia, Malaysia…
Không chỉ có trên thế giới mà tại Việt Nam, người Dao Tiền trên cả nước nói chung và tại Sơn La nói riêng cũng áp dụng nghệ thuật này để trang trí lên trang phục của mình.
Người phụ nữ Dao Tiền phải trải qua rất nhiều công đoạn cầu kỳ để có thể tạo ra được hoa văn trên tấm vải.
Bản Suối Lìn, xã Vân Hồ, huyện Vân Hồ là nơi sinh sống của đồng bào Dao Tiền tỉnh Sơn La.
Đồng bào Dao Tiền ở đây vẫn giữ được nghệ thuật vẽ họa tiết trên vải bằng sáp ong.
Đầu tiên, vải phải được là phẳng để khi in sáp ong mới ngấm đều và đẹp, không bị loang. Xưa kia, khi chưa có các sản phẩm hiện đại hỗ trợ, đây là công đoạn vất vả nhất, người Dao Tiền dùng miếng đá phẳng mịn cả hai mặt đặt tấm vải trắng lên và dùng nanh lợn là thật nhẵn và láng bóng miếng vải.
Tiếp đến là công đoạn đun sáp ong, nghe thì đơn giản, nhưng khi đun phải hết sức chú ý. Sáp ong được đun lên phải có độ loãng vừa phải, nếu loãng quá thì khi in hoa văn lên vải sẽ bị nhòe, còn đặc quá thì sáp không ăn vào vải. Sau khi có được dung dịch sáp ong vừa ý, người phụ nữ sẽ bắt đầu vẽ.
Khi đun nóng sáp ong cần chú ý sao cho sáp ong không được đặc quá, cũng không được loãng quá, nếu không sẽ không vẽ được.
Dụng cụ để vẽ sáp ong gồm: Dụ pơi (một que tre nhỏ được vót nhọn đầu), vè (một que tre nhỏ gắn thanh sắt nhỏ tạo hình chữ, chùn thố (2 ống tre to và nhỏ) và phong tháo (một que tre nhỏ được gắn sắt ở đầu).
Đầu tiên dùng vè để tạo hình tam giác trên tấm vải, sau đó dùng dụ pơi chấm phía trong tam giác; phong tháo dùng để tạo các đường viền của các hình tam giác nhọn và chùn thố dùng để chấm hình đồng tiền xu. Đây là bước sau cùng để hoàn chỉnh bộ hoa văn trước khi miếng vải được nhuộm chàm.
Sáp ong được vẽ bằng bộ dụng cụ riêng.
Những họa tiết trang trí được người Dao Tiền sử dụng trên trang phục của mình thường chia làm 6 dạng mô típ: Chùn thốp (hoa văn hình đồng xu), Chùn Heng (hoa văn kẻ ngang), Chùn chủn (hoa văn các hình chữ nhật xếp chồng vào nhau), Sà Pjơi (hoa văn hình chữ nhật có vạch kẻ bên trong), Chùn chjao (hoa văn sóng nước màu trắng), Chùn Meng (hình sóng nước màu chàm).
Hoa văn này được sử dụng để tạo hình trên váy, nó thể hiện niềm mong ước của dân tộc Dao Tiền về sự thịnh vượng, mong muốn cuộc sống no đủ, tốt đẹp hơn. Một số phụ nữ cho biết những hình tròn tượng trưng cho núi non.
Những mô típ hoa văn trí trang trí trên vài của người Dao Tiền đều có ý nghĩa riêng.
Sau khi vẽ xong, chờ sáp ong khô rồi mới đem tấm vải đi nhuộm chàm nhiều lần (từ 4 đến 5 lần) để ra được màu chàm như ý.
Sau đó, tấm vải sẽ được nhúng vào nước sôi khiến cho sáp ong tan ra và hiện lên các hoa văn trên nền chàm. Một mảnh vải nhuộm chàm, in sáp ong, người phụ nữ Dao cần khoảng 10 ngày cho tất cả các công đoạn. Những tấm vải in hoa văn sáp ong được phụ nữ Dao Tiền sử dụng để khâu váy. Chiếc váy màu chàm với các họa tiết hoa văn đã tôn lên vẻ đẹp duyên dáng, giản dị của phụ nữ Dao Tiền.
Sau khi nhuộm ra được màu chàm vừa ý, miếng vải được nhúng vào nước sôi, khi đó sáp ong sẽ tan ra, để lại những hoa văn màu sáng do không bị nhuộm chàm.
Những tấm vải được vẽ hoa văn thường được phụ nữ Dao Tiền dùng để may váy.
Bản Suối Lìn thành lập cuối năm 1959, ban đầu có 12 hộ đến nay đã phát triển lên 174 hộ, trong đó có 139 hộ, hơn 680 nhân khẩu người Dao Tiền sinh sống. Đồng bào Dao Tiền luôn có ý thức giữ gìn, duy trì và bảo tồn phong tục, tập quán của dân tộc mình, các hoạt động giao tiếp hàng ngày đều bằng ngôn ngữ bản địa, người già vẫn mặc trang phục truyền thống.
Đời sống văn hóa tinh thần của đồng bào Dao Tiền bản Suối Lìn khá phong phú và gắn liền với sản xuất nông nghiệp.
Năm 2020, bản Suối Lìn đã tuyên truyền, vận động 20 người dân trong bản tham gia các lớp truyền dạy chữ Nôm Dao truyền thống do nghệ nhân ưu tú Bàn Văn Đức, tiểu khu Sao Đỏ 1, xã Vân Hồ truyền dạy.
Tại các lớp học, còn truyền dạy cả văn hóa truyền thống, giúp bà con hiểu về nghi lễ, phong tục để răn dạy con cháu giữ gìn những giá trị văn hóa tốt đẹp của dân tộc.
.