Do ảnh hưởng của cơn bão số 3 (Yagi), nhiều cây cổ thụ trong cánh rừng trâm mốc cổ đại trên xã đảo Minh Châu, huyện Vân Đồn (Quảng Ninh) bị gió quật gãy đổ, có nguy cơ phải mất rất nhiều năm mới tái sinh lại.
Rừng trâm mốc trên xã đảo Minh Châu có diện tích 13ha, trải dài theo hình vòng cung chạy dọc bãi biển. Cây trâm mốc trong rừng còn gọi là vối rừng, cây tâm, là loài cây thường xanh, chiều cao có thể đạt 30m và có thể sống hơn 200 năm. Cây trâm mốc là loài đặc trưng chỉ có ở tuyến đảo Minh Châu, Quan Lạn, cây có tán lá dày. Chiều cao trung bình của rừng trâm Minh Châu chỉ khoảng 10m, từ bao đời nay cánh rừng trâm che chở xóm làng, bảo vệ bờ biển trước những trận bão và sóng biển.
Mới đây, 150 cây trâm cổ thuộc rừng trâm xã đảo Minh Châu được công nhận là quần thể cây di sản Việt Nam
Rừng trâm cổ thuộc xã đảo Minh Châu, huyện Vân Đồn thuộc khu vực được bảo vệ nghiêm ngặt của Vườn quốc gia Bái Tử Long. Mới đây, 150 cây trâm cổ thuộc rừng trâm Minh Châu được công nhận là quần thể cây di sản Việt Nam, công tác bảo tồn lại càng được quan tâm đặc biệt.
Do ảnh hưởng của cơn bão số 3 (Yagi), nhiều gốc cây cổ thụ trong cánh rừng trâm bị quật đổ, đứng trước nguy cơ không thể phục hồi hoặc có thể mất rất nhiều năm mới có thể tái sinh lại.
Rừng trâm mốc cổ có tuổi đời hàng trăm năm, được ví như "thần mộc" bảo vệ dân làng trước bão gió, sóng biển và cũng là địa điểm thu hút khách du lịch đến Minh Châu (ảnh ghi lại trước khi cơn bão số 3 - Yagi đổ bộ).
Sau cơn bão số 3, cánh rừng gần như xác xơ.
Trước sức gió của cơn bão số 3, cây trâm cổ có tuổi đời hàng trăm năm tuổi cũng không thể đứng vững
Với bộ rễ bám sâu vào lớp cát nhưng một số cây trâm cổ vẫn bị bật gốc
Có những cây còn bị gãy đổ, nhiều người dân xã đảo không khỏi xót xa trước cảnh tan hoang của cánh rừng trâm
Dù là loài cây có khả năng tái sinh tốt, mọc nhiều nhánh đan xen với nhau nhưng sau cơn bão số 3 phải mất rất nhiều năm cánh rừng trâm cổ trên xã đảo Minh Châu mới có thể phục hồi, tái sinh
Rừng trâm cổ đã chứng kiến và gắn bó suốt chiều dài lịch sử phát triển cư ngụ của người dân trên xã đảo Minh Châu. Bên cạnh tác dụng phòng hộ, rừng trâm còn cho gỗ, vỏ cây cung cấp nguyên liệu để làm thuốc nhuộm, quả trâm vừa là thức ăn của con người vừa là nguồn sống của nhiều loài chim, thú
Ông Khúc Thành Liêm, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Vườn quốc gia Bái Tử Long cũng chia sẻ, cây trâm mốc là loài đặc trưng của vùng biển Minh Châu, có tuổi đời hơn 200 năm. Thời gian phục hồi sau bão ước tính 1 -3 năm.
Bên cạnh , các cơ quan chức năng của địa phương cũng cần có biện pháp cụ thể để thúc đẩy việc tái sinh, phụ hồi cánh rừng trâm cổ
V. Hùng