Tranh trừu tượng của Trần Vĩnh Thịnh đây gây chú ý bởi sự chuyển đổi màu sắc (ảnh Luxuo).
Một năm hai lần mở triển lãm, mà lần nào cũng là những tác phẩm mới chưa từng công bố. Trần Vĩnh Thịnh - họa sĩ vẽ trừu tượng đang thể hiện bút lực ở thời kỳ đỉnh cao của sự nghiệp.
Một năm hai lần triển lãm
“Miền Trung hoài niệm” là cuộc triển lãm kéo dài từ giữa tháng 10/2022 đến đầu tháng 1/2023 tại không gian Renaissance Riverside Sài Gòn (Q.1 – TPHCM).
Triển lãm nằm trong dự án Beyond Art nhằm tôn vinh nghệ thuật Việt Nam. Đồng thời tập trung vào mối liên kết giữa nghệ sĩ và công chúng, hình thành những không gian trải nghiệm, sưu tầm nghệ thuật uy tín thông qua một chuỗi các triển lãm nghệ thuật đương đại.
Lấy mục tiêu phát triển dài hạn, Beyond Art hội tụ những chuyên gia về nghệ thuật, kiến trúc và truyền thông, hướng đến một cộng đồng uy tín trong sáng tác, thưởng thức, đầu tư, xác định giá trị nghệ thuật. Từ đó, mong mỏi phát triển thị trường nghệ thuật Việt Nam.
Trong sự kiện mở đầu dự án, series 15 bức “Miền Trung hoài niệm” của họa sĩ Trần Vĩnh Thịnh được chọn. Tranh trừu tượng trữ tình (lyrical abstraction) là thế mạnh của anh, đồng thời cũng là đặc trưng của trường phái Huế trong những năm gần đây.
Với “Miền Trung hoài niệm”, Trần Vĩnh Thịnh đã vẽ bằng tâm thế rất khác, thể hiện sự cuộn trào trong nội tâm để tìm ra bản ngã của mình. Xuyên suốt các tác phẩm là hành trình khám phá xuyên qua bề mặt để chạm tới phần sâu nhất trong tâm hồn, sự rỗng lặng mà không cung bậc đối kháng nào có thể chạm tới.
Vốn rất nổi tiếng với những bức tranh trừu tượng sắc vàng chủ đạo, nhưng từ triển lãm tháng 6/2022 tại Huyen Art House - Trần Vĩnh Thịnh đã chuyển đổi đột ngột, cả về màu sắc, phong cách lẫn quan niệm.
Một tác phẩm trong triển lãm “Miền Trung hoài niệm”.
Nhà nghiên cứu mỹ thuật Lý Đợi cho rằng, đó là cuộc chuyển đổi mạnh mẽ từ vàng - đen sang xanh – đen - trắng. Với tranh trừu tượng, bảng màu chiếm yếu tố quan trọng, nó không chỉ là tín hiệu cho bề mặt thị giác, mà còn là chìa khóa của nhận thức, quan niệm, của cách nhìn và thế nhìn.
Trần Vĩnh Thịnh sinh ra tại Huế, nơi còn nhiều gốc tích cung đình đã để lại dấu ấn không nhỏ trong bảng màu vàng - đen, vốn làm nên phong cách trừu tượng và một phần sức hút của tranh Trần Vĩnh Thịnh. Khi chuyển sang xanh – đen – trắng, họa sĩ tự do hơn, buông lỏng hơn và phảng phất chất thư pháp.
Những bức tranh chuyển đổi này được sáng tác trong một thời gian ngắn của năm 2022. Tuy nhiên, đó lại là kết quả của sự chiêm nghiệm trong rất nhiều năm - nhất là hoài niệm về giai đoạn lưu lạc khắp miền Trung trước đây mà họa sĩ đã đi qua. Hơn nữa, ở độ tuổi U50 và độ chín trong kỹ thuật trừu tượng, Trần Vĩnh Thịnh không chỉ thong dong hơn, mà còn sâu lắng, thi vị hơn với các sáng tạo.
Hạnh phúc khi vẽ quê hương
Với “Miền Trung hoài niệm” 15 bức tranh là những đường cọ thấm nhuần xúc cảm nội tại và cách dùng màu phản ánh cảm thức vô bờ với thiên nhiên. Tác phẩm mở ra chiều không gian bất tận trong mắt người xem và khơi gợi những mênh mang mường tượng về từng nhành cây, ngọn cỏ, con đường.
Chỉ có yêu miền Trung, gắn bó với mảnh đất đầy nắng – gió và bão ấy, người nghệ sĩ mới có thể cho ra cả một chuỗi tác phẩm hoài niệm đầy thơ và mộng như vậy.
Họa sĩ Trần Vĩnh Thịnh từng nổi tiếng với loạt tranh vàng.
“Bằng chất liệu và kỹ thuật hội họa phương Tây để diễn tả phong cách nội tâm phương Đông, độ đậm nhạt đầy chất thủy mặc đã nhấn mạnh thêm lẽ vô thường của cuộc sống nhân sinh. Từng nhát cọ trong tranh Trần Vĩnh Thịnh lúc mạnh mẽ dứt khoát, lúc mềm mại dịu dàng đưa người xem lạc vào hoài niệm vô tận” – Nhà nghiên cứu mỹ thuật Lý Đợi.
Nhà nghiên cứu Lý Đợi cũng cho rằng, Việt Nam có nhiều họa sĩ vẽ trừu tượng. Tuy nhiên, theo đuổi trừu tượng liên tục vài chục năm hoặc gần như suốt đời, thì lại rất ít - Trần Vĩnh Thịnh là một trong số ít đó. Nhìn vào những số ít này, thấy thật lý thú vì từ con đường chung, mỗi người đang dần đi vào con đường riêng của mình.
Ngay khi còn đi học mỹ thuật, việc vẽ trừu tượng của Trần Vĩnh Thịnh vừa nhận về những ngạc nhiên, vừa nhận về cả thị phi. Những năm cuối thế kỷ 20, ở Nha Trang và miền Trung, mà theo đuổi trừu tượng thì thường bị cho là “không biết vẽ nên mới quậy bậy”. Vượt qua sự thị phi và cả sự ngạc nhiên đó, Trần Vĩnh Thịnh cứ nhẩn nha đi với trừu tượng cho đến ngày nay.
Được tiếp xúc với thảo thư từ nhỏ, họa sĩ Trần Vĩnh Thịnh ứng dụng thư pháp, đường nét tranh thủy mặc và hội họa phương Đông vào hội họa đương đại phương Tây. Theo chia sẻ của ông Lý Đợi, họa sĩ đã vẽ lại những năm tháng phiêu bạt khắp các vùng đất miền Trung. Thân thiện và hài hước trong các cuộc đối thoại, nhưng trên tranh họa sĩ thể hiện sự mãnh liệt và gai góc qua những nét cọ và cách sử dụng màu sắc dứt khoát.
Trước đây, công chúng mộ điệu mỹ thuật trừu tượng đã quen thuộc với sắc vàng trong tranh Trần Vĩnh Thịnh. Màu vàng – ngoài sắc màu cung đình, cũng là màu trên sắc áo của tăng lữ Phật giáo Á Đông. Nhưng màu vàng, cũng là gam vàng tươi tốt của đất đai và cây cỏ, như niềm tin vào thiên nhiên và lao động của con người.
Trần Vĩnh Thịnh cho rằng: “Khi bạn yêu mảnh đất miền Trung, bạn muốn chuyển thể tình yêu ấy lên tranh – thì có lẽ trừu tượng là cách để thể hiện trọn vẹn nhất. Trong tâm hồn mỗi người, quê hương là chốn nương náu, là cả thế giới với những người đa cảm và nặng tình nghĩa. Bởi vậy, với tôi không gì hạnh phúc hơn khi được vẽ về quê hương, về những hoài niệm xưa cũ”.