VNPAY được cấp phép dịch vụ ký số từ xa, tham gia phổ cập chữ ký số cá nhân
Vân Anh Xem các bài viết của tác giả
02/08/2023 14:26 (GMT+07:00)
Nhấn mạnh chữ ký số cá nhân là 1 mảnh ghép quan trọng để người dân giao dịch trực tuyến toàn trình trên mạng, Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Huy Dũng mong VNPAY sớm tham gia vào việc phổ cập chữ ký số cá nhân cho người dân.
Ngày 2/8, Trung tâm Chứng thực điện tử quốc gia (NEAC), Bộ TT&TT tổ chức lễ trao Giấy phép cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số công cộng theo mô hình ký số từ xa cho Công ty cổ phần giải pháp thanh toán Việt Nam (VNPAY).
Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Huy Dũng trao giấy phép cho Tổng giám đốc VNPAY Lê Tánh. (Ảnh: Tuấn Anh).
Ký số từ xa (Remote Signing) là thế hệ chữ ký số mới, đáp ứng mức độ thuận tiện, tuân thủ và đảm bảo cao nhất trên thiết bị di động cho xác thực người ký.
Với Remote Signing, người sử dụng không cần USB Token như ký số truyền thống mà có thể sử dụng smartphone, máy tính bảng để thực hiện ký số.
Remote Signing đem lại nhiều thuận tiện, đặc biệt là với người dùng cá nhân khi cho phép ký số mọi lúc, mọi nơi với chi phí hợp lý.
Phương thức này được kỳ vọng sẽ góp phần phổ cập chữ ký số cá nhân, qua đó giúp người dân tham gia môi trường số an toàn, thuận tiện.
Trước VNPAY, Bộ TT&TT đã cấp phép dịch vụ này cho 8 nhà cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số công cộng.
Theo giấy phép cấp cho VNPAY có hiệu lực đến hết ngày 23/7/2033, tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số công cộng VNPAY-CA được cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số cho cơ quan, tổ chức, cá nhân sử dụng trong các hoạt động công cộng.
Các loại chứng thư số VNPAY-CA được cung cấp gồm: Chứng thư số cho cá nhân, tổ chức; chữ ký số SSL dành cho máy chủ; chứng thư số cho phần mềm.
Để được Bộ TT&TT cấp phép cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số theo mô hình ký số từ xa, VNPAY đã trải qua quá trình thẩm tra kỹ lưỡng của các đơn vị chuyên môn trong Bộ TT&TT, Ban Cơ yếu Chính phủ (Bộ Quốc phòng), Bộ Công an.
Dịch vụ chứng thực chữ ký số công cộng theo mô hình ký số từ xa sẽ sớm được VNPAY-CA cung cấp tới các khách hàng. (Ảnh minh họa: Lê Loan).
Cùng với nhiều sản phẩm, giải pháp hỗ trợ giao dịch điện tử đã được VNPAY cung cấp như ví VNPAY, giải pháp ngân hàng số Mobile Banking, hóa đơn điện tử VNPAY-Invoice, dịch vụ truyền nhận dữ liệu VNPAY-TVAN, xác thực hợp đồng điện tử VNPAY CONTRACT…, dịch vụ chứng thực chữ ký số công cộng theo mô hình ký số từ xa mới được cấp phép sẽ góp phần hoàn thiện hệ sinh thái sản phẩm của doanh nghiệp này.
Theo ông Lê Tánh, Tổng Giám đốc VNPAY, dư địa của thị trường chữ cá ký số công cộng, đặc biệt là chữ ký số cá nhân vẫn còn rất lớn.
Theo thống kê, tỷ lệ chữ ký số cá nhân cấp cho người trưởng thành mới chỉ đạt khoảng 3%, trong khi đó, mục tiêu Ủy ban quốc gia về chuyển đổi số đặt ra trong năm nay kỳ vọng đạt 20%. “Chúng tôi tham gia vào mảng này để thúc đẩy quá trình phổ cập chữ ký số cho cá nhân”, ông Lê Tánh chia sẻ.
Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng, phát triển xã hội số Việt Nam có 8 việc cần làm, trong đó có cung cấp để mỗi người dân có 1 chữ ký số cá nhân trên smartphone. (Ảnh: Tuấn Anh).
Phát biểu tại sự kiện, Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Huy Dũng cho biết, Chiến lược quốc gia về kinh tế số và xã hội số đã xác định xã hội số Việt Nam có 8 yếu tố chính: Mỗi hộ gia đình một đường cáp quang băng rộng. Mỗi người dân một điện thoại thông minh, trên đó có danh tính điện tử, chữ ký số cá nhân, tài khoản thanh toán số, tài khoản để dùng dịch vụ công trực tuyến, phần mềm bảo vệ người dân ở mức cơ bản và có khóa học về kỹ năng số miễn phí.
Việc cấp giấy phép cung cấp dịch vụ chữ ký số công cộng theo mô hình ký số từ xa cho VNPAY là hoạt động nhằm góp phần hiện thực hóa mục tiêu quan trọng trong 5 – 10 năm tới mỗi người Việt Nam dùng smartphone sẽ có 1 chữ ký số cá nhân.
Đây là mảnh ghép cuối cùng còn thiếu để người dân có thể thực hiện giao dịch toàn trình trực tuyến từ đầu đến cuối trên môi trường mạng, không cần hiện diện. Bộ TT&TT mong muốn VNPAY sẽ nhanh chóng tham gia phổ cập chữ ký số cá nhân đến người dân.
Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng cũng đề nghị VNPAY-CA lưu ý 3 điểm trong quá trình cung cấp dịch vụ, đó là: Nghiêm túc tuân thủ quy định tại Nghị định 130 năm 2018 về chữ ký số và dịch vụ chứng thực chữ ký số; hiện lưu trữ, bảo mật thông tin thuê bao theo quy định Nghị định 130 và Nghị định 13 về bảo vệ dữ liệu cá nhân; nghiêm chỉnh tuân thủ các quy chuẩn kỹ thuật, tiêu chuẩn kỹ thuật về chữ ký số và dịch vụ chứng thực chữ ký số.
Đại diện đơn vị tham gia thẩm tra hồ sơ của VNPAY, ông Hồ Văn Hương, Cục trưởng Cục Quản lý mật mã dân sự và kiểm định sản phẩm mật mã, Ban Cơ yếu Chính phủ đề nghị VNPAY-CA chấp hành đúng các quy định pháp luật trong quá trình đưa vào hoạt động dịch vụ chứng thực chữ ký số công cộng theo mô hình ký số từ xa.
Chiến lược quốc gia phát triển kinh tế số và xã hội số đến năm 2025 đã đặt mục tiêu đưa tỷ lệ dân số trưởng thành có chữ ký số hoặc chữ ký điện tử cá nhân đạt trên 50% vào năm 2025 và 70% vào năm 2030. |
Phổ cập chữ ký số cá nhân để thúc đẩy phát triển kinh tế sốTheo các chuyên gia, chữ ký số cá nhân giúp giải quyết tất cả các giao dịch điện tử cần xác thực danh tính của người dùng. Vì vậy nó sẽ là thành phần không thể thiếu trong chuyển đổi số, phát triển kinh tế số.
Bình luận