Khu đất đấu giá ở Đông Anh (Hà Nội). Ảnh: Cao Nguyên
Chiêu trò để đẩy giá đất lên cao
Mới đây, Trung tâm Phát triển Quỹ đất huyện Mê Linh (TP.Hà Nội) đã phối hợp với Công ty Đấu giá Hợp danh Đấu giá Việt Nam tổ chức thành công phiên đấu giá đối với 18 thửa đất thuộc khu đất nhỏ lẻ, xen kẹt tại tổ dân phố số 2, thị trấn Chi Đông.
Kết quả, cả 18 thửa đất đã được đấu giá thành công. Trong đó, thửa LK-02 diện tích 180m2 có mức giá trúng cao nhất là 74,2 triệu đồng/m2, tương đương gần 14 tỉ đồng/lô, mức chênh 6,03 tỉ đồng so với giá khởi điểm. Tổng số tiền trúng đấu giá của 18 lô đất là gần 160 tỉ đồng. Số tiền trúng chênh 56,8 tỉ đồng so với giá khởi điểm.
Không chỉ ở Mê Linh, tại huyện Đông Anh thời gian gần đây, các phiên đấu giá đất cũng có mức giá trúng cao gấp nhiều lần giá khởi điểm, thậm chí xác lập kỷ lục mới khi có thửa hơn 105 triệu đồng/m2.
Đơn cử, điểm X4 thôn Đoài, xã Kim Nỗ, huyện Đông Anh có 18 thửa đất với diện tích 1.438,1m2 được đưa ra đấu giá. Giá khởi điểm thấp nhất từ 40,8 triệu đồng/m2, cao nhất là 55,1 triệu đồng/m2 tùy theo diện tích và vị trí. Kết quả có 18 khách hàng trúng đấu giá, trong đó giá trúng đấu giá cao nhất là 105,2 triệu đồng/m2.
Chia sẻ với PV, một người (xin được giấu tên) vừa trúng đấu giá tại xã Thanh Lâm, huyện Mê Linh cho biết, anh và một số người bạn vừa chung hồ sơ tham gia đấu giá đã trả mức cao hơn gấp hơn 2 lần giá khởi điểm ban đầu để được trúng đấu giá. Mặc dù biết là với mức giá như vậy việc thanh khoản sau này sẽ gặp khó khăn nhưng tất cả đã nằm trong sự tính toán của vị này và nhóm bạn.
“Trước khi xảy ra dịch COVID-19, chúng tôi có gom được hơn chục lô đất gần với khu vực tổ chức đấu giá. Sau thời gian dịch bệnh, thị trường nhà đất chững lại, đợt này khi TP.Hà Nội thông qua quy hoạch dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô đi qua địa bàn huyện Mê Linh, đây là thời cơ tốt để khởi động lại việc giao dịch các sản phẩm quanh khu vực này” - người này nói.
Lo ngại tác động ngược
Số liệu báo cáo thị trường từ kênh thông tin batdongsan.com.vn cho biết, từ đầu năm đến nay, mức độ quan tâm đến thị trường đất nền trên phạm vi cả nước giảm mạnh.
Theo ông Nguyễn Quốc Anh - Phó Tổng Giám đốc batdongsan.com.vn, yếu tố quan trọng nhất ảnh hưởng giá BĐS tăng hay không là do nhu cầu của thị trường. Nhìn nhận một cách khách quan, những khu vực có hạ tầng phát triển sẽ giúp cho các sản phẩm xã hội và giá nhà đất ở khu vực đó gia tăng. Giá nhà đất ngoại thành Hà Nội tăng là do những tác động tích cực từ việc quy hoạch xây dựng các tuyến đường giao thông.
Nhưng thực tế, thời gian qua, giá nhà đất những khu vực này đã bị “thổi” cao hơn nhiều so với thực tế, nên sản phẩm chủ yếu phục vụ nhóm người đầu tư “lướt sóng” kiếm lời, không phục vụ nhu cầu thực về chỗ ở, dẫn đến hàng nghìn lô đất sau khi trúng đấu giá hoặc phân lô, tách thửa xong hàng chục năm vẫn chỉ là một bãi đất bỏ hoang.
Nói với Lao Động, ông Nguyễn Thế Điệp - Ủy viên Ban Chấp hành Hiệp hội BĐS Việt Nam - cho rằng, đấu giá đất tăng cao là câu chuyện hiển nhiên nhưng quan trọng sau khi tăng giá cao thì liệu có người mua hay không?
Ông Điệp nhấn mạnh, thực tế hiện nay đấu giá xong rất ít người lấy BĐS đó sử dụng để ở, mà đa phần đấu giá xong bán lại để kiếm lời. Bây giờ, sốt đất nên giá cả cũng đẩy lên cao vượt giá trị thật của thị trường, nhiều người đấu giá xong thấy cao quá không bán được, không có tiền để nộp cho Nhà nước nên bỏ cọc.
Về vấn đề này, theo GS-TSKH Đặng Hùng Võ, sai lầm của chúng ta là cứ dồn dập đấu giá đất, mà chưa quan tâm đến hiệu quả sử dụng đất. Thực tế, các cuộc đấu giá đất ở nước ta luôn có giá trúng cao gấp nhiều lần giá khởi điểm.
Từ đó, tạo ra một môi trường đầu tư với giá đất cao hơn bình thường. Và khi đầu vào đất đai cao, giá hàng hóa sản xuất cao theo. Điều này cho thấy, nếu đấu giá đất cao, năng lực cạnh tranh của nền kinh tế sẽ kém đi.
Đề xuất dừng đấu giá đất khi mức trúng bị đẩy lên quá cao
Mới đây Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường - ông Lê Minh Ngân - đề xuất bổ sung quy định về việc dừng cuộc đấu giá khi có dấu hiệu bất thường trong việc đẩy giá trúng đấu giá lên quá cao.