Theo các nhà nghiên cứu, Kinh thành Thăng Long xưa gồm ba vòng thành: La Thành rộng lớn bao quanh ṿòng ngoài; tiếp đến là Hoàng thành; trong cùng là Cấm thành, nơi ở, làm việc của vua và hoàng gia. Đoan Môn là cửa trong cùng, dẫn vào Cấm thành…
Cửa Đoan Môn nguyên là công trình được xây dựng từ đời Lý, với tên gọi Ngũ Môn Lâu, mà tên gọi này hiện nay vẫn còn ghi trong nội dung của tấm bia Sùng Thiện Diên Linh (chùa Đọi) được vua Lý Nhân Tông (1072 - 1128) cho khắc năm Thiên Phù Duệ Vũ thứ hai (1121).
Tuy nhiên, căn cứ vào vật liệu xây dựng và phong cách kiến trúc hiện còn của di tích,cổng Đoan Môn hiện còn là do nhà Lê sơ xây dựng (thế kỷ 15) và được sửa sang, tu bổ dưới thời Nguyễn (thế kỷ 19).
Bài liên quan
Khám phá "Thăng Long tứ trấn": Bài 4 - Ngôi đền thiêng "hễ cầu tất ứng"
Khám phá "Thăng Long tứ trấn": Bài 3 - Huyền thoại đền thờ hoàng tử đánh giặc cứu nước
Khám phá "Thăng Long tứ trấn": Bài 2 - Độc đáo đền thờ "thần bảo hộ" của kinh thành Thăng Long
Khám phá "Thăng Long tứ trấn": Bài 1 - Huyền tích đền Quán Thánh
Di tích nằm ở hướng Nam của điện Kính Thiên, thẳng trục với Cột cờ Hà Nội. Cổng thành được xây dựng theo chiều ngang, cấu trúc hình chữ U. Lối tường thành cổ với 5 cổng thành được dựng cuốn vòm cân xứng gần như tuyệt đối qua “trục thần đạo”, hay còn được gọi là “trục chính tâm” của Hoàng thành.
Kiến trúc cuốn vòm với 3 cửa, phần chính làm theo kiểu vọng lâu không chỉ mang lại sự duyên dáng mà còn có kết cấu chịu lực tốt. Cho đến nay, những công trình đường hầm hiện đại nhất, kỳ vĩ nhất rên thế giới cũng vẫn sử dụng lối kiến trúc nay.
Mỗi cổng thành ở đây đều được cuốn vòm bằng gạch vồ và đá tảng, ghè đẽo hết sức công phu, được xếp chồng khít với nhau tới mức một sợi tóc cũng khó bề lọt qua. Khắp bề mặt tường thành từ ngoài vào trong đều được xếp phẳng tới mức đáng kinh ngạc. Tất cả những điều ấy cho thấy tài năng và tay nghề cao của phường thợ xây thành Thăng Long thuở trước.
Cửa giữa lớn nhất dành riêng cho nhà vua, cao 4m, rộng 2,7m. Hai bên có 4 cửa nhỏ hơn, cao 3,8m rộng 2,5m dùng để các quan, hoàng thân quốc thích ra vào cung cấm mỗi khi có lệnh vời hoặc tham dự các nghi lễ lớn tại điện Kính Thiên do Hoành đế tiến hành.
Khắp bề mặt tường thành từ ngoài vào trong đều được xếp phẳng tới mức đáng kinh ngạc.
Tầng lầu thứ 2 được xây dựng theo lối vọng canh với hệ thống cửa trổ đều các hướng. Tuy nhiên, kiến trúc này đã được cải tạo lại và hình dáng của nó đã có nhiều đổi khác so với ban đầu. Trên cửa chính giữa của tầng lầu thứ hai có đắp nổi 3 chữ Hán “Ngũ Môn lầu”. Chính vì 3 chữ Hán này mà nhiều người vẫn quen gọi Đoan Môn là Ngữ Môn lầu.
Mặt sàn của tầng lầu thứ 2 rất rộng rãi, được trồng cỏ và những cây đại thụ thân cỡ một vòng tay người lớn. Các cửa vọng canh thông nhau giống như một mê cung mở. Trước đây, khoảng sân và tầng lầu rộng rãi ấy chính là nơi nhà vua ngự giá để úy lạo binh sỹ trước khi xuất trận; đón tướng sỹ thắng trận trở về hay xem biểu diễn võ nghệ, trò chơi dân gian phía dưới.
Nếu như lối dẫn lên tầng 2 là 2 cầu thang gạch lộ thiên rộng lớn, thì lối dẫn lên tầng lầu thứ 3 lại là một cầu thang nhỏ được dựng tương đối kín đáo ở bên trong. Cũng giống tầng lầu thứ 2, tầng lầu thứ 3 được phục dựng lại sau này và kiến trúc cũng có nhiều thay đổi so với nguyên bản. Tuy nhiên các nét kiến trúc chính cổ xưa vẫn được trân trọng giữ gìn. Tầng lầu thứ 3 được dựng theo lối vọng lâu nóc 2 tầng 8 mái, các góc mái được trang trí bằng hình tượng rồng cuốn.
Giá trị lịch sử quan trọng
Dưới thời Lê sơ và thời Lê Trung hưng, Đoan Môn được chính sử (Đại Việt sử lý toàn thư, Lê triều Hội điển…) nhắc đến như một kiến trúc tiêu biểu, quan trọng của khu vực không gian chính điện Kính Thiên gắn với các nghi lễ triều chính của quốc gia Đại Việt, mang ý nghĩa văn hóa tâm linh.
Đây là nơi cử hành các nghi lễ chính trị và tôn giáo thiêng liêng: sự kiện mở hội Nhân Vương (năm 1077,1126), mở hội đèn Quảng Chiếu (năm 1126), duyệt cấm quân (năm 1351), khảo thí thi Đình (năm 1466,1475,1481,1496)...
Đến năm 1802, khi vua Gia Long chọn Phú Xuân (Huế) làm kinh đô nhà Nguyễn thì thành Thăng Long chỉ còn là một thủ phủ của Bắc Thành gồm 11 trấn. Năm 1805, thành Thăng Long của nhà Lê (1427 -1789) bị phá bỏ để xây dựng thành Hà Nội.
Trong cuộc tái thiết này, di tích Đoan Môn vẫn được giữ lại và có sửa chữa thêm. Đoan Môn vẫn tiếp tục gắn liền với điện Long Thiên và hành cung Bắc Thành thời Nguyễn. Đầu triều Nguyễn, đây là nơi cử hành các nghi lễ quan trọng như: lễ bái yết vua Nguyễn khi tuần du Bắc Thành, lễ tiếp nhận chiếu thư, lễ tiếp đón và tiếp sứ thần ngoại quốc, lễ bái vào các ngày sóc vọng.
Tại lầu Ngũ Môn, năm 1821, vua Minh Mạng ngự xem duyệt binh Bắc Thành với số quân gần một vạn rưỡi người, đã xét tội Tổng trấn Bắc Thành là Lê Chất khi quân, phạm thượng do ngồi giữa lầu Ngũ Môn trong lễ điểm binh đầu năm. Điều đó càng cho thấy Đoan Môn, lầu Ngũ Môn cùng hành cung Long Thiên là khu vực quan trong nhất trong cấu trúc tổng thể của thành Hà Nội thời Nguyễn.
Đoan Môn thực sự thay đổi khi Pháp chiếm thành Hà Nội năm 1882, người Pháp đã cho bịt kín cả năm cửa ở Đoan Môn cũng như hai cửa phụ bên Đông và Tây khiến cho khu vực bên ngoài thành nhanh chóng bị hoang hóa và trở thành khu đất trống. Trong những năm 1894 – 1897, Đoan Môn chấm dứt vai trò lịch sử của mình khi hợp đồng phá thành Hà Nội được thông qua và thực hiện một cách nhanh chóng.
Năm 1999, các nhà khảo cổ học đã chọn hố khai quật ngay tại chính giữa cửa Đoan Môn hiện còn để tìm dấu vết con đường Ngự đạo xưa. Ngay ở độ sâu 1,2 m đã xuất lộ một đường viền đá lát chân tường Đoan Môn, một sân lát đá gạch vồ thời Lê và ở độ sâu 1,90m đã xuất lộ dấu tích một con đường lát gạch “hoa chanh” thời Trần.
Chạy theo hướng Bắc Nam, con đường được dự đoán còn kéo dài hơn nữa và rất có thể đó là con đường đi từ Đoan Môn đến Điện Thiên An thời Trần. Đáng chú ý là trong số gạch lát con đường thời Trần còn có những viên gạch thời Lý được dùng lại.
Với cấu trúc độc đáo, đồ sộ, ẩn tàng dưới lòng đất nhiều dấu tích khảo cổ hàng nghìn năm, di tích Đoan Môn sẽ mãi trường tồn như một chứng nhận của lịch sử, minh chứng cho giá trị lịch sử văn hóa vô giá của dân tộc Việt Nam nói chung và Thăng Long – Hà Nội nói riêng.
Nhóm PVTags:lịch sử, Hoàng Thành Thăng Long, đoan môn, di tích, di tích lịch sử,