4 - 5 triệu đơn hàng/ngày từ Trung Quốc vào Việt Nam thông qua các sàn thương mại điện tử Lazada, Shopee, Taobao… tạo nên dòng chảy hàng hóa trị giá 1,3 - 1,9 tỉ USD/tháng.
Lượng hàng gửi về cho khách ở Việt Nam nằm tốp đầu so với các nước Đông Nam Á. Trong ảnh: một kho lớn ở Đông Quản (Trung Quốc) - Ảnh: BÔNG MAI
Con số này không chỉ phản ánh nhu cầu mua sắm ngày càng tăng của người tiêu dùng Việt, mà còn cho thấy sự cạnh tranh khốc liệt mà doanh nghiệp đối mặt.
Sự xuất hiện của các tổng kho, trung tâm livestream ngay sát biên giới, đẩy cuộc cạnh tranh lên một tầm cao mới. Hàng Trung Quốc phong phú về chủng loại, từ quần áo, giày dép cho đến đồ gia dụng, điện tử… đáp ứng mọi nhu cầu của người tiêu dùng Việt.
Chỉ cần lướt điện thoại, click đặt mua, 3 - 4 ngày sau đơn hàng Trung Quốc đã giao tới TP.HCM. Tốc độ giao hàng "thần tốc", hệ thống logistics tổ chức bài bản. Đó là một áp lực lớn với nhà sản xuất, bán lẻ Việt Nam.
Hàng Trung Quốc dễ dàng vào thị trường Việt Nam nhưng Việt Nam muốn xuất khẩu sang Trung Quốc lại phải đối mặt với hàng loạt rào cản, từ kiểm duyệt gắt gao đến những quy định phức tạp.
Nhìn người ngẫm đến ta. Không phải ngẫu nhiên hàng Trung Quốc đang được tiêu thụ mạnh. Trên sân nhà, người tiêu dùng thường phàn nàn hàng Việt Nam có giá cao, phí ship cao hơn so với hàng ngoại nhập là một thực trạng đáng lo ngại.
Đơn hàng Trung Quốc đến TP.HCM giá rẻ, giao nhanh hơn từ Hà Nội đến TP.HCM. Thậm chí doanh nghiệp cũng than trời chỉ một đoạn đường ngắn TP.HCM đi Vũng Tàu cước phí đắt hơn vận chuyển đến Singapore, thì rõ ràng việc cạnh tranh về giá với hàng ngoại, vốn được hỗ trợ bởi hệ thống logistics hiện đại và chi phí vận chuyển thấp, trở nên cực kỳ khó khăn.
Sự yếu kém trong hệ thống hạ tầng và quản lý logistics đã khiến các sản phẩm Việt Nam khó có thể giữ được mức giá cạnh tranh, và hệ quả là mất dần thị phần ngay trên chính sân nhà.
Câu chuyện này không chỉ dừng lại ở vấn đề giá cả. Khi hàng Việt thua ngay trên sân nhà, điều đó đồng nghĩa với việc các doanh nghiệp trong nước sẽ gặp khó khăn lớn, dẫn đến việc đóng cửa, phá sản và hệ lụy kéo theo là thất nghiệp, suy giảm nền kinh tế.
Trong khi đó, các doanh nghiệp Trung Quốc lại nhận được sự hỗ trợ mạnh mẽ từ chính phủ của họ, từ việc giảm thuế, hỗ trợ tài chính đến các chính sách khuyến khích xuất khẩu.
Ông Nguyễn Xuân Hùng, đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam, cho rằng trong bối cảnh này, việc thích nghi và tận dụng những cơ hội từ sự phát triển của hệ thống logistics và thương mại điện tử là điều cần thiết thay vì chỉ tập trung vào việc đối phó với sự cạnh tranh từ hàng hóa Trung Quốc.
Cần cải thiện chất lượng sản phẩm, tối ưu hóa quy trình sản xuất và phân phối, đồng thời áp dụng các chiến lược marketing linh hoạt và sáng tạo, AI… để tiếp cận khách hàng.
Một trong những chính sách cần được thúc đẩy được doanh nghiệp đặt ra là hoàn thiện khung pháp lý để hỗ trợ sự phát triển của kho ngoại quan về lĩnh vực thương mại điện tử. Mô hình kho ngoại quan sẽ giúp doanh nghiệp tiết kiệm chi phí tồn kho và đẩy nhanh quá trình giao hàng.
Nếu không hành động kịp thời, hàng Việt sẽ tiếp tục thua trên sân nhà, điều đó sẽ là một thất bại lớn không chỉ cho các doanh nghiệp mà còn cho cả nền kinh tế đất nước.
Chính phủ cần xây dựng và triển khai các chính sách hỗ trợ đầu tư hạ tầng logistics, kho bãi… Kiểm soát chặt chẽ các hàng hóa nhập khẩu và tạo điều kiện thuận lợi cho hàng hóa Việt Nam xuất khẩu.
Cuộc chiến này không chỉ là cuộc chiến của doanh nghiệp, mà là cuộc chiến của cả quốc gia.
Lần theo 10.000km hàng Trung Quốc vào Việt Nam: Đang có nhiều giải pháp quản lý
Bộ Công Thương nhìn nhận có thực tế hàng từ các kho sát biên giới vào Việt Nam được mua qua thương mại điện tử (TMĐT), tập trung ở các sàn Lazada, Shopee, Tiki… nên đang có nhiều giải pháp quản lý để đảm bảo cạnh tranh lành mạnh.