"Mấy hôm nay tôi bị biến chứng ở xương, đau nhức nhiều không ngủ được. Hôm nay trời nắng vẫn gắng đi nhặt thêm 30 phút, nhưng đợt này người nhặt nhiều nên cũng chẳng thêm được là bao", bà Rinh thở dài.
Ở cái tuổi vốn dĩ được quây quần cùng con cháu, căn bệnh suy thận giai đoạn cuối khiến bà phải lên Hà Nội sống cảnh cô quạnh trong căn phòng trọ cũ nát suốt 5 năm qua để chạy thận.
Chồng mất, con cái ở quê làm nông mỗi tháng phải chắt bóp lắm mới dư ra 1 - 2 triệu gửi lên cho mẹ. Số tiền này, theo bà, chỉ đủ tiền ở còn ăn uống thuốc thang phải tự lo.
Mỗi tuần 3 lần: thứ 3, 5, 7, bà Rinh phải đến Trung tâm thận Tiết niệu và lọc máu, Bệnh viện Bạch Mai để chạy thận. Mỗi lần như vậy, sự sống của bà lại được kéo dài thêm thời gian tính bằng… ngày.
Những ngày không chạy thận, bà Rinh lại đi loanh quanh trong khu để nhặt đồng nát tự nuôi mình.
Bà kể: "Mỗi lần đi nhặt gắng cho đủ được vài chục. Hôm nào may nhặt được nhiều lon sữa thì về sớm, chứ còn bìa thì giá thấp lắm có 2.000 đồng/cân nên có hôm đi mãi tới tối. Hôm nào mệt thì ở nhà ăn tạm đồ các nhà hảo tâm cho".
"Cũng may người già ăn ít nên tôi vẫn còn dư ra được một ít để mua thuốc", bà cười.
Gánh ve chai, cuốc xe ôm "nhặt" ngày sống của xóm chạy thận
Bà Hứa Thị Rinh là một trong hơn 100 cư dân của "xóm chạy thận" nằm trong con ngõ 121 Lê Thanh Nghị. "Ngôi nhà thứ hai" của những con người kém may mắn phải duy trì sự sống bằng quả thận máy.
Mỗi cư dân trong xóm nhỏ này đến từ khắp các tỉnh thành của miền Bắc; có người vừa lên vài tháng, có người đã ở trọ hơn 20 năm; có thanh niên trẻ chưa đến 30 tuổi; có những cụ già như bà Rinh…
Mỗi người một câu chuyện nhưng họ cùng có chung một hoàn cảnh: kiệt quệ cả về sức khỏe lẫn kinh tế vì suy thận.
TS.BS Nguyễn Hữu Dũng - Phó Giám đốc Trung thận tiết niệu và lọc máu, Bệnh viện Bạch Mai chia sẻ, chi phí cho một bệnh nhân chạy thận nhân tạo là rất lớn.
Mỗi lần chạy thận bảo hiểm chi trả 556.000 đồng, mỗi tuần chạy ba lần. Bên cạnh đó, một số chức năng nội tiết khác, thận nhân tạo không thể thay thế được, nên bệnh nhân cần sử dụng thuốc tăng hồng cầu. Mỗi lọ thuốc khoảng 260.000 đồng, bình quân mỗi tháng tiêm 13 mũi.
Gánh ve chai "nhặt" ngày sống của xóm chạy thận (Video: Minh Nhật).
Tổng chi phí chạy thận và thuốc tăng hồng cầu mỗi tháng lên đến 12 - 14 triệu đồng/bệnh nhân. Với những trường hợp không có bảo hiểm y tế thực sự là một gánh nặng rất lớn.
Ngay cả các trường hợp được bảo hiểm y tế hỗ trợ chi phí chạy thận và thuốc tăng hồng cầu, bệnh nhân chạy thận vẫn phải tự mua hàng tá các loại thuốc khác để chống biến chứng, cũng như xoa dịu những cơn đau đến từ khắp mọi nơi trên cơ thể vì hỏng thận.
Hàng ngày, với cơ thể đầy bệnh tật, những bệnh nhân suy thận vẫn đang làm đủ nghề để mưu sinh. Người còn trẻ thì chạy xe ôm, rửa bát; người già thì bán nước, nhặt ve chai, trông bệnh nhân hộ. Khi không còn đủ sức để mưu sinh, họ chỉ còn một lựa chọn: Giảm ăn, giảm thuốc cũng đồng nghĩa với việc sự sống bị rút ngắn.
Loay hoay dùng cả tay cả chân, chị Lê Thị Hoài vẫn mất 10 phút để xuống giường. Thế nhưng cú tiếp đất vẫn khiến người phụ nữ nhắm nghiền mắt vì đau nhói.
Vừa dùng tay xoa chiếc đầu gối như sưng to ra gấp rưỡi, chị Hoài chia sẻ: "Tôi bị biến chứng viêm đa khớp do chạy thận. Cách đây 2 hôm bị trật khớp chân sưng vù đi lại rất khó khăn".
Lấy chồng vừa được 2 năm. Người phụ nữ này bất ngờ phát hiện bị suy thận giai đoạn cuối ở tuổi 30. Máy móc chỉ có thể thay thế được phần nào chức năng của thận. Sau 17 năm sống nhờ "quả thận máy", sức khỏe của chị bị bào mòn.
Nước da đen sạm, cơ thể chỉ như da bọc lấy xương, ít ai có thể đoán được người phụ nữ này chỉ mới hơn 40 tuổi.
Để bám trụ tại Hà Nội, chị Hoài làm đủ nghề từ rửa bát thuê, đi chăm bệnh nhân rồi gắn với nghề bán nước dạo trong bệnh viện đã nhiều năm nay.
Cứ 7h sáng, chị Hoài để vào túi 10 chai trà đá đi bộ vào bệnh viện để bán cho người nhà và bệnh nhân tại khu vực chờ. Mỗi ngày cứ đi 5 - 6 tiếng như vậy, người phụ nữ này kiếm được 70.000 - 100.000 đồng.
"Vì cái chân mà 3 hôm rồi chưa đi bán nước được", chị Hoài trầm ngâm, thoáng rùng mình khi nhắc đến những cơn đau mất ăn, mất ngủ nếu không đủ tiền mua thuốc tháng này.
Trong căn phòng trọ ngay kề bên phòng chị Hoài là nơi ở của vợ chồng bà Nga (tên nhân vật đã được thay đổi).
Vừa quạt cho chồng ngủ, bà Nga vừa chia sẻ: "Hôm qua ông bị chảy máu ở cầu tay nhân tạo, máu chảy đỏ hoe cả sàn nhà nên mệt nhiều. Chỉ mong ông ngủ được một chút cho lại sức".
Căn phòng trọ rộng vỏn vẹn 5 mét vuông sau khi kê một chiếc giường, tủ lạnh, kệ để đồ chỉ còn dư ra đúng một khoảng trống nhỏ để đi ra đi vào. Bà Nga mô tả, đến mùa hè có thêm chiếc quạt, phần diện tích còn lại chỉ vừa đủ cho một người lách qua.
Từ ngày chồng bị biến chứng khiến mắt kém không tự phục vụ được, bà Nga để lại ngôi nhà ở quê lên Hà Nội chăm chồng. Ngót nghét cũng được 3 năm. Kể về cuộc sống tại xóm chạy thận, bà Nga thở dài: "Khổ không biết bao nhiêu mà kể".
"Nhà ở quê cấp 4 nhưng so với ở đây vẫn tốt hơn nhiều lần. Thời gian đầu tôi vừa lên đây nhiều lúc nghĩ rằng sẽ không chịu được", bà Nga nói.
Mỗi tháng con cháu gửi lên được 2 - 3 triệu, vừa đủ tiền để ông bà thuê nhà, điện nước.
Cũng như nhiều cư dân khác của xóm chạy thận, bà Nga đi nhặt đồng nát để kiếm thêm dăm ba chục mỗi ngày.
"Ông chạy thận thứ 3, 5, 7. Những ngày đó, trong lúc ông chạy thận, tôi lại sang viện nhặt đồng nát. Hôm nào ông ở nhà thì phải cơm nước xong mới đi nhặt được. Nhặt xuyên trưa từ 12h - 16h", bà Nga kể.
Việc ăn uống có thể dè sẻn nhưng thuốc của ông cứ đều đặn mỗi tháng khoảng 1,5 triệu đồng, từ thuốc bổ trợ gan, bổ tim, bảo vệ cầu tay…
Người phụ nữ trăn trở: "Còn sức thì tôi còn gắng đi nhặt nhạnh thêm tiền. Chứ không có thuốc, ông đau trằn trọc cả đêm không ngủ được, tôi sốt ruột lắm".
Mấy hôm nay, Hà Nội bắt đầu trở nóng, nhìn lên trần nhà cách đầu chỉ đúng vài gang tay, bà Nga lại nghĩ đến cái nóng hầm hập đến mất ăn mất ngủ của mùa hè sắp tới.
Số máy đặc biệt của cư dân xóm chạy thận
Trong danh bạ của các cư dân ở xóm chạy thận có một số điện thoại đặc biệt: Người thân của bạn cùng phòng hoặc cùng dãy trọ.
"Những người chạy thận như chúng tôi, đặc biệt là chạy trên 10 năm, có thể ra đi bất cứ lúc nào chỉ cần một cơn tăng huyết áp hay nhồi máu cơ tim", bà Nguyễn Thị Oanh (57 tuổi) đã chạy thận 14 năm chia sẻ, kể thêm rằng, chỉ mới tuần trước thôi xóm này đã mất đi 3 thành viên vì tai biến.
Cư dân xóm chạy thận nhiều năm một mình "sống mòn" nơi đất khách, đến khoảnh khắc cuối đời cũng hầu như không có người thân bên cạnh.
"Chúng tôi luôn lưu số điện thoại người thân của nhau. Để nhỡ có việc gì, còn thông báo cho họ lên… lo hậu sự", bà Oanh tâm sự.
Xa gia đình, nơi ở tồi tàn, điều kiện sống khó khăn, thế nhưng nhiều người quyết định bám trụ lại xóm chạy thận dù có cơ hội về quê, vì ở nơi đây có những người đồng cảnh ngộ, để chia sẻ và cùng nương tựa vào nhau hay đơn giản chỉ là…tránh làm phiền con cái.
Buổi sáng tỉnh giấc là biết mình vẫn còn sống thêm một ngày
Cơ thể suy kiệt vì bệnh tật thế nhưng sâu trong ánh mắt của những bệnh nhân suy thận mà chúng tôi được gặp, luôn rực lên khát khao được sống.
"Với chúng tôi, sống tiếp mới khó chứ buông xuôi thì đơn giản lắm, có khi chỉ cần dừng uống thuốc một hôm thôi. Thế nhưng phải cố gắng sống tiếp vì con, vì cháu biết mẹ mình vẫn còn đó", bà Oanh cười.
Người phụ nữ đầu đã hai thứ tóc chia sẻ thêm về niềm hạnh phúc đặc biệt của mình: "Buổi sáng mở mắt dậy là biết mình vẫn còn sống thêm một ngày nữa. Thế là vui rồi".
Người phụ nữ này, trước đó từng "chết hụt" một lần sau khi hôn mê 4 tiếng, còn những lần ngất đi vì tụt đường huyết thì nhiều không đếm được.
Trên lối đi chung của dãy trọ nằm sâu trong xóm chạy thận, có 4 chậu xương rồng nhỏ đang phát triển xanh tươi.
Đây là những chậu cây do Trang - cô gái 29 tuổi nhưng đã có 9 năm chạy thận tự tay trồng và chăm sóc mỗi ngày. Cô chia sẻ rằng, mình thích xương rồng từ khi bị suy thận vì loài cây này là biểu tượng cho ý chí kiên cường, vươn lên trong nghịch cảnh.
Căn bệnh suy thận khiến Trang gác lại giấc mơ tuổi đôi mươi, để bước vào những tháng ngày chống chọi với bệnh tật. Hàng ngày, cô gái trẻ này vẫn tỉ mẩn dành nhiều giờ đồng hồ gia công tranh cuốn giấy. Mỗi bức tranh làm trong một tiếng, Trang kiếm được 12.000 - 17.000 đồng, đủ trang trải chi phí ăn uống, thuốc thang.
Thấy chậu xương rồng vừa thêm nhánh mới, Trang đem khoe cho các cô, các bà. Niềm vui bình dị cứ thế "sưởi ấm" cả xóm trọ.
Nội dung - Video: Minh NhậtẢnh: Mạnh QuânThiết kế: Tố Linh