Nước không chảy về chỗ trũng
Sau 5 năm dạy học tại vùng núi cao Nam Trà My (Quảng Nam), mức lương của cô Trà Thị Hậu, giáo viên Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học và THCS Trà Nam giảm từ gần 11 triệu xuống còn chưa đến 9 triệu đồng. Chính sách hỗ trợ 70% phụ cấp cho giáo viên công tác ở các vùng đặc biệt khó khăn chỉ áp dụng trong 5 năm đầu công tác.
Lương cũng đồng nghĩa với thu nhập vì không thể dạy thêm, cũng không buôn bán gì được, cô Hậu cho biết, một cảnh hai quê, nồi cơm cũng xẻ làm hai nên gần như vợ chồng cô không tiết kiệm được khoản nào. Vợ chồng cô Hậu vẫn đang ở chung với ông bà, không có điều kiện để ở riêng.
Nhiều giáo viên sau 5 năm dạy học ở các trường vùng cao, khi đã hết thời gian hỗ trợ phụ cấp khu vực, đều tìm cách chuyển về đồng bằng. Thầy Bùi Quang Ngọc, Hiệu trưởng Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Trà Leng (Nam Trà My, Quảng Nam) cho biết, gần như năm nào nhà trường cũng phải giải quyết cho giáo viên xin chuyển về xuôi dạy học.
“Bây giờ các huyện ở vùng đồng bằng đều thiếu giáo viên tiểu học. Trong khi đó, nói lương giáo viên miền núi cao nhưng thực tế chi phí sinh hoạt sinh hoạt đắt đỏ, lại xa gia đình, con cái hầu hết phải gửi lại quê nhờ ông bà chăm. Vì vậy, sau 5 năm dạy học, thầy cô nào có điều kiện sẽ tìm mọi cách chuyển về đồng bằng. Giáo viên miền núi vì vậy thiếu lại càng thiếu”, thầy Ngọc kể.
Nếu cuối tuần, trường không tổ chức hoạt động ngoại khóa hoặc hội họp, sinh hoạt chuyên môn, cô Hậu lại đi xe máy về huyện Thăng Bình để đoàn tụ gia đình. Con trai của cô từ 7 tháng tuổi đã xa hơi ấm của mẹ, ở cùng với ba và ông bà để mẹ đi dạy học. Từ Nam Trà My về đến nhà cô Hậu ở quê là đoạn đường khoảng 40km. Vì vậy, tháng nào, cô Hậu cũng phải bảo dưỡng xe, thay lốp, thay nhớt để đảm bảo an toàn.
Nhà ở huyện Phú Ninh nên đoạn đường về thăm con của cô Nguyễn Thị Kim Ký ngắn hơn cô Hậu một chặng. Hai con nhỏ và mẹ già gửi lại cho chị gái của chồng chăm sóc nên cô Hậu cho biết, lương của mình gần như được gửi cả về quê để lo cho sinh hoạt gia đình, học hành của các con; mọi chi tiêu đều phải tiết kiệm đến mức tối đa.
Theo thông tin từ ban giám hiệu nhà trường, cô Trà Thị Hậu đã nộp hồ sơ để tham gia kỳ thi viên chức ngành Giáo dục tại huyện Thăng Bình. Cô Hậu chia sẻ: “Nếu vẫn duy trì phụ cấp khu vực thì thu nhập của giáo viên miền núi sẽ đỡ hơn một chút. Không có khoản 70% phụ cấp thu hút cũng đồng nghĩa với việc mỗi tháng hụt đi gần 2 triệu đồng.
Trong hoàn cảnh không có nguồn thu phụ khác ngoài lương đi dạy nên rất khó để xoay xở. Nếu chuyển công tác về quê, tôi có thể làm thêm ngoài giờ dạy học để cải thiện thu nhập, cũng có điều kiện chăm sóc con cái hơn”.
Sự thay đổi trong chính sách thu hút, đãi ngộ khiến giáo viên không khỏi so sánh về mức thu nhập vì điều kiện công tác không hề cải thiện.
Học sinh lớp Một của Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học và THCS Trà Nam trong lễ khai giảng năm học 2022 – 2023.
Mong sống được bằng lương
Vào nghề dạy học được 4 năm, tính cả lương và phụ cấp của cô Hồ Thị Chim – giáo viên Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Trà Leng (Nam Trà My, Quảng Nam) hiện ở mức 8,5 triệu đồng. Tất cả mọi chi dùng của một gia đình 3 nhân khẩu được gói ghém trong chừng đó vì chồng cô Chim không có việc làm ổn định.
Thế nên sau khi căn nhà tạm của cô bị sập trong trận sạt lở kinh hoàng ở Trà Leng vào tháng 10/2020, cô chuyển về ở tạm nhà người cháu, rồi sau đó ở nhờ nhà mẹ đẻ cho đến nay. Cô Chim kể: “Căn nhà của vợ chồng xây trên đất vườn của bố mẹ. Tôi lại chưa tách hộ khẩu, lúc làm nhà không xin giấy phép nên dù nhà bị sập nhưng không nằm trong diện được hỗ trợ tái định cư”.
Năm nay, cô Nguyễn Thị Thu Ba, Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Trà Tập (Nam Trà My) được phân công giảng dạy ở điểm thôn Tu Gia. Từ điểm trường chính vào đến Tu Gia mất khoảng 25 phút đi xe máy. Vào những ngày mưa chỉ có thể đi bộ vì đường trơn trượt. Trong các khoản chi hàng tháng vì vậy còn có thêm tiền xăng và bảo dưỡng xe.
“Với mức lương 9 triệu đồng/tháng sau 13 năm dạy học, nói thật là nếu không có thu nhập từ bán hàng online thì rất khó để có tích lũy, thậm chí là không đủ sống”, cô Ba chia sẻ. Bán thêm hàng dược liệu, đồng phục áo Đoàn, cô Ba cho biết, cũng có thêm chút tiền mua sữa, cải thiện bữa ăn cho các con. Những giáo viên có thu nhập từ nghề phụ như cô Thu Ba đang lấy nghề này để chăm chút cho nghề chính, để lại mọi lo toan đằng sau cánh cửa lớp, toàn tâm cho từng tiết dạy.
Thầy Bùi Quang Ngọc cho rằng, khác với giáo viên đồng bằng chỉ có 35% phụ cấp đứng lớp, ở miền núi là 70%. Thế nhưng, điều kiện sống ở vùng núi cao và hải đảo quả thật không dễ dàng, giáo viên không phải là người địa phương nên thường một cảnh hai – ba quê. Dạy thêm thì không được, thậm chí giáo viên còn phải vận động học sinh tham gia học phụ đạo miễn phí để đảm bảo chất lượng giáo dục, để học sinh không vì học yếu mà chán học, bỏ học. Vì vậy, tính lương thì cao nhưng gần như phải khéo thu vén lắm mới đủ trang trải cuộc sống.
Ông Trần Duy Dũng – Chủ tịch UBND huyện Nam Trà My cho rằng cần có chính sách hỗ trợ nhằm khuyến khích những người công tác ở miền núi gắn bó lâu dài. Thầy Võ Đăng Chín thì đề nghị cần duy trì chính sách hỗ trợ 70% khu vực cho giáo viên miền núi. “Như thế mới giữ chân được những giáo viên có kinh nghiệm, để họ gắn bó lâu dài với trường lớp mà không tìm cách chuyển về xuôi sau 5 năm công tác”, thầy Chín phân tích.
Chưa tính đến việc xin chuyển về xuôi, cô Thu Ba cho biết, nói không so sánh điều kiện sống, thu nhập giữa giáo viên đồng bằng và miền núi là không đúng. “Như thầy cô ở xã Trà Tập còn có phụ cấp vùng khó chứ ở Trà Mai không còn nữa do vùng này gần như thị trấn, đã hoàn thành xây dựng nông thôn mới. Nên chăng, đối với giáo viên vùng núi cao, điều kiện thiên nhiên khắc nghiệt như Nam Trà My cần có chế độ phụ cấp đặc thù để giữ chân giáo viên” – cô Ba mong mỏi.