Đây là kết khảo sát đề án đo lường chất lượng hoạt động và cung cấp dịch vụ tại các cơ sở giáo dục trên địa bàn TPHCM năm 2022 do Sở GD&ĐT TPHCM thực hiện và vừa công bố mới đây.
Học sinh tại một trường ngoại thành ở TPHCM xếp hàng ra chơi sau giờ học
Khảo sát nhằm mục tiêu đánh giá một cách khách quan, chất lượng cung ứng dịch vụ của các cơ sở giáo dục công lập tại TPHCM thông qua việc tìm hiểu cảm nhận của các đối tượng thụ hưởng những dịch vụ này. Kết quả là cơ sở để Sở GD&ĐT TPHCM và các cơ sở giáo dục trên địa bàn thành phố xác định nhu cầu, nguyện vọng của phụ huynh, học sinh nhằm có những biện pháp cải tiến, nâng cao chất lượng phục vụ...
Theo đó cuộc khảo sát được chia làm 3 giai đoạn.
Giai đoạn 1 phân chia 22 quận/huyện và TP Thủ Đức thành 3 nhóm và chọn 3 quận/huyện để thực hiện khảo sát.
Giai đoạn 2 mỗi quận/huyện tiếp tục chọn ngẫu nhiên 2 trường mầm non, 2 trường tiểu học, 2 trường THCS, 1 trường THPT.
Giai đoạn 3 chọn học sinh, phụ huynh khảo sát theo phương pháp chọn mẫu ngẫu nhiên theo từng đơn vị, quy mô khảo sát khoảng 2.400 phiếu (trong đó 2.100 phiếu từ phụ huynh và 300 phiếu từ học sinh).
Qua khảo sát, phụ huynh hài lòng nhất với tiêu chí môi trường giáo dục (4,55 điểm với thang điểm 5) và thấp nhất ở tiêu chí cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học (4,37 điểm).
Còn học sinh hài lòng cao nhất với môi trường giáo dục, hoạt động giáo dục (cùng 4,46 điểm) và thấp nhất với tiêu chí cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học (4,19 điểm).
Điểm số các tiêu chí khảo sát phụ huynh, học sinh
Cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học có số điểm đánh giá thấp nhất. Trong đó tiêu chí khu vực vệ sinh cho học sinh an toàn, sạch sẽ, có thiết bị cơ bản được phụ huynh đánh giá thấp nhất với số điểm là 4,28 điểm. Còn đối với học sinh THPT, tiêu chí về sân chơi, bãi tập được các em đánh giá thấp nhất với 4,04 điểm.
Kết quả khảo sát cũng cho thấy, tỉ lệ hài lòng chung của phụ huynh đối với dịch vụ giáo dục công cao, đạt 90,78%. Trong tất cả các tiêu chí, tiêu chí về cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học đạt thấp nhất nhưng cũng đạt 87,20%.
Tỉ lệ hài lòng của học sinh đối với dịch vụ của nhà trường đạt tỉ lệ thấp hơn so với đánh giá từ phụ huynh, đạt 84,29%, trong đó tiêu chí về cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học cũng đạt tỉ lệ thấp nhất đạt 78,4%.
Điểm hài lòng của phụ huynh và học sinh với dịch vụ giáo dục công theo các tiêu chí đánh giá
Theo Sở GD&ĐT TPHCM, kết quả trên cho thấy, tồn tại mà ngành giáo dục TP luôn phải đối diện là cơ sở vật chất. Với tốc độ tăng dân số quá nhanh dù đã được sự quan tâm nhưng tốc độ xây dựng trường lớp còn hạn chế. Do đó, trong thời gian tới, ngành giáo dục sẽ nâng cấp cơ sở vật chất, tăng cường trang thiết bị, đặc biệt quan tâm đến việc nâng cấp, sửa chữa, cải thiện tình trạng của các nhà vệ sinh, quan tâm đến việc xây dựng, nâng cao diện tích sân chơi, bãi tập. Các quận/huyện đẩy mạnh việc xây dựng phòng học, các phòng chức năng...
Theo ghi nhận của PV, tại TPHCM cũng có nhiều trường có nhà vệ sinh "xịn xò" trị giá cả trăm triệu đồng nhờ xã hội hóa.
Đơn cử như Trường Tiểu học Lương Định Của (quận 3), năm học này nhà trường chi gần 600 triệu đồng để sữa chữa nhà vệ sinh, đồng thời bố trí hai nhân viên trực vệ sinh suốt ngày. Nhà vệ sinh sau khi sữa chữa đã rất sạch đẹp, thoáng mát, vệ sinh, không có mùi hôi, không gian an toàn và học sinh không còn cảm thấy sợ khi bước vào nhà vệ sinh, các em đã không có bất cứ phàn nàn gì về chất lượng.
Trường THPT Nguyễn Du (quận 10) có đến 18 nhà vệ sinh nam nữ khác nhau (cả ở tầng trệt và trên các tầng lầu), có nhiều buồng vệ sinh luôn đảm bảo sạch sẽ, thoáng mát, có cây xanh bên trong. Các bồn rửa tay cho học sinh luôn có đầy đủ nước rửa tay, có đồ đựng các vật dụng cá nhân của phụ nữ.
Ông Huỳnh Thanh Phú, hiệu trưởng nhà trường cho biết, để đảm bảo vệ sinh, trường bố trí 8 nhân viên lao công để thường xuyên lau chùi, dọn dẹp nhà vệ sinh đảm bảo các nhà vệ sinh luôn không có mùi hôi, để học sinh không sợ, ám ảnh khi bước vào nhà vệ sinh của trường.
Theo Tiền Phong