Đó là nhận định của một chuyên gia trong ngành khi dự báo về thị trường BĐS năm sau.
Dòng sản phẩm BĐS vừa túi tiền luôn được quan tâm suốt thời gian qua. Đây cũng là nỗ lực của các cơ ban ngành, nhà nước để cân đối nguồn cung và nhu cầu của người mua nhà.
Ghi nhận cho thấy, dù thị trường biến động, BĐS giá vừa túi tiền vẫn hút dòng tiền người mua. Phân khúc này hiện diện chủ yếu tại các khu vực tỉnh lân cận Tp.HCM như Long An, Bình Dương, Cần Thơ…Tại Bến Lức, một dự án nhà vừa túi tiền quy mô hơn 4.5ha đang chuẩn bị mở bán giai đoạn tiếp ghi nhận sức mua khá ổn. Trong khi giai đoạn 1 chào bán trước đó đã bàn giao cho người dân vào ở. Với mức giá từ 1 tỉ đồng/căn, loại hình này đang nhận được sự quan tâm lớn từ người mua ở thực.
Trong khi tại Bình Dương, một dự án căn hộ rục rịch thị trường với mức giá từ 1.5 tỉ đồng/căn cũng nhận được hiệu ứng tích cực, dù thị trường BĐS đang gặp khó. Nhu cầu tập trung chủ yếu ở những người trẻ mua nhà ở thực, gia đình công nhân sống tại các khu nghiệp lân cận.
Tại Q.Bình Tân, Tp.HCM, một số dự án căn hộ tầm trung trong ngưỡng giá trên dưới 45 triệu đồng/m2 mở bán giai đoạn tiếp cũng nhận được sự quan tâm đáng kể. Trong bối cảnh thị trường khó khăn, ảnh hưởng tâm lý, các dự án mức giá này vẫn có giao dịch, chủ yếu ở nhu cầu mua ở thực.
Có thể thấy, suốt những năm qua, sự phát triển nóng và bất cân đối của thị trường BĐS đã gây ra những hệ lụy nhất định. Trong đó, vấn đề lệch pha cung – cầu dễ thấy nhất. Theo các chuyên gia đó là sự bất ổn về mặt xã hội, khi mà nhu cầu nhà cho người thu nhập trung bình – thấp vẫn luôn chiếm tỉ lệ rất lớn trên thị trường địa ốc.
Sau giai đoạn khủng hoảng 2008 – 2012 thị trường BĐS bắt đầu chu kỳ hồi phục và tăng trưởng mới. Giai đoạn 2015 – 2019 thị trường chứng kiến sự tăng nóng cả nguồn cung, tiêu thụ và mặt bằng giá. Nếu so với 2015 giá bán BĐS hiện nay tăng trung bình 2 – 3 lần, tùy theo từng khu vực, thậm chí nhiều nơi mức tăng 7 – 10 lần. Nguồn cung tăng mạnh nhưng các sản phẩm chủ yếu tập trung phân khúc cao cấp và hạng sang, dự án vừa túi tiền dành cho đại đa số người dân ngày càng khan hiếm đến nay gần như mất tích. Theo số liệu từ DKRA Vietnam, 3 năm liên tiếp không ghi nhận nguồn cung căn hộ hạng C có mức giá dưới 30 triệu đồng/m2.
“Thời gian tới, thị trường BĐS sẽ thanh lọc. Thị trường sẽ tập trung sản phẩm nhà ở đáp ứng nhu cầu ở thực thuộc phân khúc vừa túi tiền”, đại diện DKRA Vietnam nhấn mạnh.
Nhu cầu về chốn an cư vùa túi tiền còn rất lớn trên thị trường địa ốc.
Mới đây, loạt đại gia BĐS như Novaland, Vingroup, Sungroup, Himlam và trước đó là Nam Long Group, Becamex… cùng vào cuộc làm nhà ở xã hội lại cho thấy một góc nhìn khác là sự chia sẻ, đóng góp cho xã hội. Đây không chỉ là tin vui lớn với người thu nhập thấp, đó còn là niềm tin cho thị trường BĐS nói chung.
Các đại gia cùng “bắt tay” làm nhà ở xã hội nghĩa là tính bền vững cho phân khúc này sẽ cao hơn. Điều này cũng cho thấy, thị trường BĐS năm 2023 và các năm tiếp theo có thể sẽ là các năm “kích hoạt” mạnh của phân khúc này, đáp ứng được nhu cầu an cư cho đối tượng người thu nhập thấp.
Một doanh nghiệp từng có nhiều năm xây loạt dự án nhà ở vừa túi tiền tại khu vực phía Nam cho rằng, khi nhiều doanh nghiệp cùng làm nhà ở xã hội nghĩa là niềm tin về chốn an cư chất lượng của người dân sẽ tăng lên. Đồng nghĩa, phân khúc nhà ở bình dân đang dần biến mất trên thị trường BĐS sẽ được “hồi sinh” trở lại.
Cùng với đó, thị trường BĐS cũng kì vọng sau động thái các ông lớn cùng làm nhà ở xã hội, cơ chế cho phân khúc này sẽ "thông thoáng" hơn, để loại hình này thực sự hiện thực hóa như mục tiêu của Chính phủ đề ra thay vì để người dân trông ngóng nhiều năm qua.
Kể từ năm 2022, thị trường nhà ở vừa túi tiền, nhà ở xã hội được kỳ vọng sẽ biến chuyển khi Bộ Xây dựng đưa ra thông điệp mới. Theo đó, bộ này sẽ tập trung xây dựng chính sách, tháo gỡ khó khăn để phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho người thu nhập thấp và trung bình, dần khắc phục tình trạng mất cân đối cơ cấu sản phẩm nhà ở như hiện nay. Hiện Chính phủ đang triển khai chương trình phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội giai đoạn 2022 – 2023. Trong đó có các chính sách liên quan trực tiếp đến việc thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân.
Thủ tướng Chính phủ cũng ban hành Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia giai giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2045 với các yêu cầu, định hướng mới về nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân; đồng thời phát triển thị trường bất động sản nhà ở bền vững.
Chuyên gia bất động sản cá nhân Phan Công Chánh nhận định, sự trở lại của phân khúc nhà ở vừa túi tiền sẽ là tâm điểm thu hút sự quan tâm của người tiêu dùng. Đây là dòng sản phẩm đáp ứng nhu cầu ở thực vốn thiếu hụt nguồn cung trầm trọng những năm gần đây, đẩy cơn khát nhà ở phân khúc này lên tới đỉnh điểm trong các năm qua. Vì vậy, rổ hàng nhà vừa túi tiền này bùng nổ ở vùng ven sẽ là điểm nhấn của thị trường các năm tới.
“Sự khác biệt của phân khúc căn hộ vừa túi tiền với phần còn lại là nhu cầu để ở lớn, khả năng chi trả cao, thanh khoản tốt. Đây cũng là phân khúc đứng vững trong mọi hoàn cảnh, dù thị trường nóng sốt hay đóng băng. Nếu nguồn cầu được cải thiện nhanh chóng có thể góp phần giảm áp lực lệch pha cung – cầu nhà ở tại các thành phố lớn hay các địa phương tập trung phát triển khu công nghiệp. Điều này giúp thị trường bất động sản trở nên cân bằng và bền vững hơn”, ông Chánh nhấn mạnh.