Nỗ lực lấp khoảng trống thiếu giáo viên

10/10/2022 11:09
Để khắc phục tình trạng thiếu giáo viên, nhất là ở các địa phương miền núi, vùng sâu, vùng xa, ngành giáo dục tỉnh Hà Tĩnh đã chủ động nghiên cứu, đề xuất các giải pháp bảo đảm cân đối số lượng, chất lượng giáo viên tại các địa phương.

 

Nỗ lực lấp khoảng trống thiếu giáo viên

Ảnh minh họa: Trường Tiểu học Thạch Tân, Thạch Hà, Hà Tĩnh. (Nguồn: Báo Hà Tĩnh)

Bên cạnh những kết quả đạt được, để giải quyết một cách căn cơ, dài hơi tình trạng thừa, thiếu giáo viên, tỉnh Hà Tĩnh cần xây dựng lộ trình thực hiện việc tuyển dụng giáo viên theo địa chỉ, ban hành quy chế luân chuyển giáo viên, nhất là tổ chức đặt hàng đào tạo giáo viên đối với những môn học thiếu người đứng lớp.

Nhiều trường gặp khó

Trường THPT Kỳ Lâm đóng chân ở khu vực miền núi phía tây huyện Kỳ Anh (Hà Tĩnh). Là địa phương vùng sâu, vùng xa nên từ khi thành lập đến nay, năm nào nhà trường cũng đối mặt với tình trạng thiếu giáo viên. "Phần lớn giáo viên đang đứng lớp là những thầy, cô đến từ các địa phương khác và họ đã gắn bó lâu dài với vùng đất này. Những năm qua, các thầy, cô giáo luôn nỗ lực khắc phục khó khăn do điều kiện công tác xa nhà, nhưng cũng mong muốn được về dạy học gần nhà", Hiệu trưởng Trường THPT Kỳ Lâm Võ Tiến Hùng chia sẻ.

Theo thầy giáo Võ Tiến Hùng, những khó khăn do điều kiện công tác xa nhà đã dần được "hóa giải" bằng tinh thần chịu khó, dấn thân của các thầy, cô giáo. Tuy nhiên khoảng trống thiếu người đứng lớp là bài toán khó giải. "Việc không có đủ giáo viên đứng lớp là một thách thức rất lớn để bảo đảm chất lượng dạy học, đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục.

Nhà trường không thể chủ động trong xây dựng kế hoạch dạy học, nhiều giáo viên phải tăng cường độ làm việc để "gánh" những phần việc, môn học thiếu người đứng lớp", Hiệu trưởng Trường THPT Kỳ Lâm cho biết thêm.

Khó khăn, áp lực mà Trường THPT Kỳ Lâm đã và đang đối mặt là thực trạng chung đang diễn ra tại các trường THPT: Lê Quảng Chí, Phúc Trạch, Nguyễn Huệ, Nguyễn Thị Bích Châu… Đặc biệt, trong bối cảnh năm đầu triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018, các trường học còn phụ thuộc vào lựa chọn môn học của học sinh cho nên việc tính toán, bố trí giáo viên vốn đã khó nay còn khó hơn.

Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thị xã Kỳ Anh Nguyễn Văn Chung cho biết, năm học 2022-2023, số lớp học tại hai cấp học tiểu học và THCS đã tăng 37 lớp so với kế hoạch. Do số lớp được Ủy ban nhân dân tỉnh giao ít hơn số lớp so với nhu cầu thực tế, cho nên có gần 100 lớp học có sĩ số học sinh vượt quá quy định. Các lớp học vượt sĩ số không đủ chỗ ngồi cho các em, không thể thực hiện các phương pháp dạy học, nhất là việc triển khai dạy học theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018, ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng dạy học.

Bên cạnh đó, một số trường học không nhận học sinh con em ngoài địa bàn (con công nhân các công ty, xí nghiệp, nhà máy) vì số học sinh quá tải trong lớp học, không thể tăng số lớp so với quy định tỉnh giao. Do đó, dẫn đến tình trạng một số con công nhân không được đến trường công lập.

Tiếp sức cho trường vùng sâu, vùng xa

Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Hà Tĩnh Nguyễn Hồng Cường cho biết: Để góp phần cân đối thừa, thiếu giáo viên ở các trường học, các địa phương và nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện ở vùng sâu, vùng xa, bảo đảm cơ hội tiếp cận giáo dục bình đẳng cho mọi đối tượng học sinh ở các vùng miền, những năm qua, ngành giáo dục đã tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh tiến hành biệt phái giáo viên từ đơn vị thừa đến đơn vị thiếu giáo viên.

Riêng năm học 2022-2023, ngoài thực hiện biệt phái 85 giáo viên THPT từ huyện thừa đến huyện thiếu, ngành còn điều chuyển 13 giáo viên đặc thù (dạy các môn: Âm nhạc, Mỹ thuật, Tin học, Tiếng Anh, Thể dục) từ bậc THCS sang tiểu học và 14 giáo viên từ tiểu học sang THCS ở các huyện, thị xã; biệt phái sáu giáo viên tiểu học và 31 giáo viên THCS tăng cường ở những vùng thiếu giáo viên. Và đặc biệt, lần đầu tiên, ngành thực hiện điều động biệt phái 15 giáo viên đặc thù từ bậc THCS sang THPT để phục vụ chương trình giáo dục phổ thông mới.

Đội ngũ giáo viên đã nhận thức được trách nhiệm và có sự thấu hiểu, sẻ chia, sẵn sàng nhận nhiệm vụ tiếp sức cho những trường học đang thiếu giáo viên. Cô giáo Nguyễn Thị Hồng Thúy, người vừa xung phong đi biệt phái đến Trường THPT Lê Quảng Chí cho biết: Sau khi được nhà trường quán triệt về quy trình, cách thức, đối tượng thực hiện biệt phái, bản thân thấy đó không chỉ là nghĩa vụ của viên chức, mà còn là trách nhiệm của mỗi giáo viên. Bên cạnh những khó khăn khi phải đi dạy học xa nhà, chúng tôi cũng sẽ có điều kiện giao lưu, học hỏi chuyên môn và tìm hiểu về những điều mới lạ ở môi trường công tác mới.

Theo Hiệu trưởng Trường THPT Phan Đình Phùng Nguyễn Nam Thắng, mặc dù đã "lên dây cót" tinh thần thực hiện nhiệm vụ biệt phái, nhưng phần lớn giáo viên nhà trường đã từng có thời gian công tác ở các địa phương xa, mới về ổn định công việc ở thành phố nên khó tránh khỏi tâm lý không muốn thay đổi địa điểm công tác, nhất là phải di chuyển hơn trăm cây số.

Do đó việc tổ chức xét chọn giáo viên biệt phái phải được triển khai dân chủ, bình đẳng. Bên cạnh việc bám sát các quy định, văn bản hướng dẫn, Ban giám hiệu nhà trường còn tìm hiểu cặn kẽ sức khỏe, hoàn cảnh gia đình mỗi giáo viên, từ đó xây dựng lộ trình, thứ tự lựa chọn hợp lý. Nhờ đó, quy trình biệt phái ở nhà trường đã đi vào nền nếp.

Ngoài ra, theo chia sẻ của Ban giám hiệu các trường học có giáo viên biệt phái đến dạy học, để tạo điều kiện tối đa cho các thầy, cô giáo biệt phái hoàn thành nhiệm vụ, các trường học đã ưu tiên bố trí thời khóa biểu, số tiết dạy hợp lý, hỗ trợ phương tiện đi lại thuận lợi…

Ghi nhận những hiệu quả tích cực từ công tác biệt phái giáo viên, nhưng phần lớn lãnh đạo các trường học, địa phương trên địa bàn đều cho rằng, đây mới chỉ là giải pháp tạm thời, trước mắt. Hiện nay, ngoài nguồn giáo viên được bổ sung theo diện biệt phái, không ít trường học trên địa bàn còn phải loay hoay tìm nguồn giáo viên hợp đồng để lấp chỗ trống.

Vì vậy, để giải quyết tình trạng thừa, thiếu giáo viên trên địa bàn, tỉnh Hà Tĩnh cần phải triển khai biện pháp căn cơ, lâu dài, trong đó ưu tiên tuyển dụng giáo viên theo địa chỉ, cam kết phục vụ lâu dài nơi tuyển dụng, đặt hàng đào tạo giáo viên các môn thiếu và xây dựng quy chế luân chuyển giáo viên có thời hạn.

Trong ba năm qua, UBND tỉnh Hà Tĩnh đã có quyết định cho phép ngành giáo dục tuyển dụng 2.232 giáo viên ở các bậc học. Cụ thể: năm 2020, tuyển dụng 1.167 giáo viên (trong đó mầm non 669, tiểu học 399, THCS 99 giáo viên); năm 2021, tuyển dụng 770 giáo viên (trong đó mầm non 209, tiểu học 514, THCS 47 giáo viên); và năm 2022, tuyển dụng 295 giáo viên (mầm non 43, tiểu học 234, THPT 18 giáo viên).

NGÔ TUẤN

Theo Nguồn nhandan.vn

Nỗ lực lấp khoảng trống thiếu giáo viên - Giáo Dục