Theo Viện Dinh dưỡng Quốc gia, ước tính có khoảng 40% số loài nấm mốc đã được biết đến có thể sản sinh ra độc tố, chúng có thể gây ảnh hưởng đến sức khỏe con người. Các độc tố nấm có mức độ độc khác nhau, vì vậy khi xâm nhập vào cơ thể chúng gây bệnh không giống nhau.
Bánh chưng bị nấm mốc hoặc có mùi lạ thì không nên sử dụng. Ảnh: HẠ QUYÊNKhông sử dụng bánh, mứt nếu bị nấm mốc
Trong dịp Tết nhiều người thường dự trữ các loại thực phẩm như bánh chưng, mứt... nhưng những loại thực phẩm này nếu bảo quản không đúng cách sẽ dễ nhiễm nấm mốc, gây ảnh hưởng tới sức khỏe người dùng.
Theo thông tin từ Viện Dinh dưỡng Quốc gia, bánh chưng đã bị chua, mốc khi ăn vào sẽ nguy hiểm, một số loại nấm mốc tiết ra độc tố cho người dùng, do đó chúng ta bỏ bánh khi chúng có dấu hiệu bị nấm mốc.
Đối với những loại bánh ngọt, mứt nếu bảo quản không đúng cách cũng sẽ dễ bị hư do vi sinh vật và nấm mốc, nhất là các loại mứt. Trên bề mặt bánh ngọt để lâu có thể xuất hiện những loại nấm mốc khác nhau. Nếu bánh ngọt chảy nước, mất mùi vị, màu sắc biến đổi mất màu sắc đặc trưng thì cần bỏ đi không nên sử dụng.
TS Nguyễn Văn Chung, giảng viên khoa học dinh dưỡng và ẩm thực, trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm TP.HCM chia sẻ: nấm mốc phát triển tùy thuộc vào môi trường. Người sử dụng thực phẩm nấm mốc có thể dẫn đến rối loạn tiêu hóa, sử dụng lâu dài sẽ ảnh hưởng đến gan.
“Thực phẩm bị nấm mốc có thể gây nên những độc tố cho cơ thể. Có nhiều dạng nấm mốc khác nhau, độc tố sẽ tùy theo loại nấm mốc. Đối với những thực phẩm bị nấm mốc người dùng nên loại bỏ, không nên sử dụng để tránh ngộ độc, ảnh hưởng lâu dài đến sức khỏe”- TS Nguyễn Văn Chung chia sẻ.
BS CK2 Đỗ Thị Ngọc Diệp, Phó Chủ tịch Hội dinh dưỡng Việt Nam cũng cho biết: Khi thực phẩm bị nấm mốc thì không thể loại bỏ bởi bào tử đã nằm sâu bên trong. Do đó nếu thực phẩm nấm mốc thì chúng ta không nên sử dụng. Nếu sử dụng thực phẩm có nấm mốc sẽ dễ dẫn đến các vấn đề về tiêu hóa, nguy cơ ung thư gan...Nấm mốc còn có thể gây ngộ độc thực phẩm cấp với các biểu hiện như tiêu chảy, nôn ói…
Cách phòng và xử lý ngộ độc do nấm mốc
Theo Viện Dinh dưỡng Quốc gia, để bảo đảm an toàn thực phẩm, giữ gìn sức khỏe, để phòng ngộ độc thực phẩm người tiêu dùng cần thực hiện những lời khuyên đảm bảo an toàn thực phẩm và dinh dưỡng hợp lý.
Cụ thể, nếu hình dạng, màu sắc, mùi vị của thực phẩm bị biến dạng hoặc nghi ngờ thực phẩm không đảm bảo an toàn thì chúng ta cần tiêu hủy. Để ngăn ngừa tình trạng ngộ độc do ăn phải độc tố của vi nấm, cần áp dụng các biện pháp đề phòng như:
Không nên mua và sử dụng các loại lương thực, thực phẩm đã bị mốc như: gạo, lạc, đậu nành, ngô, bánh ngọt, mứt...
Ngoài ra, người tiêu dùng không được đãi, rửa các lương thực, thực phẩm đã bị mốc để sử dụng trở lại vì độc tố sẽ còn lại bên trong.
Khi sử dụng thực phẩm có biểu hiện của nhiễm độc, ngộ độc thức ăn hoặc nghi ngờ bị ngộ độc thì không được sử dụng thức ăn đó và giữ toàn bộ thức ăn thừa, chất nôn, nước tiểu…để gửi đi xét nghiệm, nên báo ngay cho cơ quan y tế gần nhất để kịp thời tổ chức cấp cứu người ngộ độc.
Cách xử trí cấp cứu trước tiên là cần làm cho người bị ngộ độc nôn ra hết chất đã ăn vào, ngăn cản sự hấp thu của ruột với chất độc, phá hủy độc tính đồng thời bảo vệ niêm mạc dạ dày.